Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Dự thảo Luật đã bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành. Trong đó có Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Nội dung này nhận được sự quan tâm góp ý kiến của các ĐBQH.
Không khoan nhượng với tội danh sản xuất, buôn bán thuốc giả
Là ĐBQH đầu tiên phát biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) bày tỏ nhất trí với dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Đi vào nội dung cụ thể, quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh.
Tại điểm b Khoản 4 đã quy định: "Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xem xét giảm án khi làm chết 2 người trở lên".
"Tôi cho rằng, điều kiện quy định cho tội phạm này chưa tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội và chưa thể hiện sự răn đe đối với loại tội phạm này trong thực tế", bà Thu Nguyệt nêu.
Bà nêu, thực tế thời gian qua chúng ta đã thấy có những vụ việc, các đội tượng tham gia vào phạm tôi với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Điều này đã gây ra nhiều hậu quả rất nặng nề.
Theo đại biểu, từ tội phạm này đã ảnh hưởng thiệt hại nặng nề về vật chất, tài sản, đặc biệt là xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của con người.
"Nêu những vụ việc đó, để thấy rằng hậu quả của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đã cho thấy một điều là chúng ta không khoan nhượng với tội danh này, với loại phạm tội này", đại biểu nêu và cho rằng cần phải có quy định mang tính chất răn đe.
"Đến giờ phút này phải kiên quyết với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh", bà Thu Nguyệt nói và cho rằng quy định như dự thảo Luật là chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội.
"Nếu khoan nhượng với tội danh này có lẽ chúng ta vô hình chung sẽ tiếp tay cho việc giết người hàng loạt trong tương lai sau này và ảnh hưởng đến cộng đồng", nữ đại biểu bày tỏ.
Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý lại các khoản cho phù hợp những nội dung trong quy định tại điều này trong Bộ Luật Hình sự.
Đề nghị đưa khung hình phạt cao nhất "tử hình"
Tham gia ý kiến ngay sau đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi khi bỏ án tử hình với một số loại hình phạm tội: Tham ô, nhận hối lộ; vận chuyển ma túy trái phép; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh. Theo đại biểu, đây là những tội phạm hết sức nghiêm trọng.
"Thân nhân của những nạn nhân, những người đã chết vì những hành vi tội phạm này sẽ cảm thấy như thế nào?"
Bà nhấn mạnh, những đối tượng phạm tội không thể không biết hậu quả và tác động của hành vi phạm tội của mình.
Với tất cả những tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thông tin thực tế hiện nay, đa số tội phạm đều hiểu rõ rằng hành vi của họ sẽ gây ra hậu quả và tác hại gì, nhưng vì lợi ích mà vẫn bất chấp.
"Tôi đồng ý rằng luật pháp hiện hành đã mức nâng khung hình phạt tương ứng với từng mức độ vi phạm. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần giữ nguyên mức án cao nhất án tử hình dành cho những trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều này nhằm thể hiện cho nhân dân thấy, Quốc hội xây dựng luật vì nhân dân, vì một xã hội, vì xây dựng một môi trường an toàn cho mọi người dân", bà Lan nói.
Nữ đại biểu đề nghị đưa khung hình phạt cao nhất "tử hình" đối với các trường hợp sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là sữa và thực phẩm chức năng.
Theo đại biểu, đây là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến những người yếu thế trong xã hội, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, niềm tin của toàn dân.
"Đương nhiên, trong thiết kế luật, cần có sự cân nhắc, tính toán để đảm bảo tính hợp lý, công bằng và đúng đắn. Tránh tình trạng dễ dãi, xuê xoa với những loại tội phạm như thế này. Việc phát hiện đã khó, đến khi phát hiện được lại loay hoay làm sao xử lý đúng tội trạng và đến cuối cùng lại bảo không có án tử hình", bà Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan, trong rất nhiều trường hợp, án tử hình không là giải pháp duy nhất, hay dù răn đe bằng án tử hình người ta sẽ sợ và không phạm tội. Tuy nhiên, án tử hình ít nhất vẫn góp một phần nào trong việc lập lại trật tự và thể hiện rõ quyết tâm không khoan nhượng với hành vi phạm tội này.
Hoàng Thị Bích/Người Đưa tin