Thảo luận tại hội trường, các ý kiến thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn văn kiện và nhất trí cao với việc Quốc hội ra Nghị quyết ngay tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Vương quốc Anh là một thành viên của các cơ chế chính trị, an ninh ở tầm khu vực và toàn cầu, cũng là một ủy viên quan trọng trong 5 thành viên của Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên trong nhóm G7 có GDP hiện nay đứng thứ 6 trên thế giới. Do đó, việc đồng ý để Vương quốc Anh sớm gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội cho 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến quyết định của Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Việt Nam sớm thông qua dự thảo nghị quyết sẽ là một trong những nước thành viên CPTPP phê chuẩn đồng ý đang gia nhập, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế Việt Nam trong hợp tác quốc tế.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đại biểu Mai Dung mong muốn trong năm 2024 Bộ Công Thương sẽ ban hành được Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) hàng năm của các địa phương, vừa là thước đo, vừa giúp địa phương có quy trình chuẩn để thực hiện, đồng thời từ góc độ khác cũng có sự giám sát và điều chỉnh tốt hơn trong tương lai
*Cũng trong chương trình làm việc sáng 8/6, các đại biểu Quốc hội đã họp tổ thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi).
Về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, nhấn mạnh tính chất chuyên biệt của Luật, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cần phải được thể hiện rõ, cụ thể hơn. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý người chưa thành niên mang tính nhân văn cao; rà soát kỹ lưỡng các quy định về hình phạt, điều kiện áp dụng để không áp dụng tùy nghi.
Còn về dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bổ sung quy định về hành vi mua bán thai nhi - dạng biến tướng của mang thai hộ - để có căn cứ xử lý nghiêm minh, xử lý trách nhiệm hình sự.
Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) dẫn quy định về hỗ trợ vay vốn tại Điều 43 và cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật thì có thể nạn nhân mua bán người sẽ không tiếp cận được chính sách này.
Cụ thể, theo Điều 43, nạn nhân mua bán người khi trở về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
* Trong phiên họp chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Trong đó, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn năm 2012.
Thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu phát biểu tán thành sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ. Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.
Từ thực tiễn giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không nên lặp lại những khuyết điểm mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã rút kinh nghiệm, đặc biệt là thủ tục hành chính, tránh trường hợp mỗi bộ, mỗi ngành làm một cách khác nhau.
Thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật.
Một số đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở.
Trong các quy định về điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động của công đoàn, dự thảo luật có quy định, cán bộ công đoàn không chuyên trách được đảm bảo thời gian thực hiện nhiệm vụ của công đoàn, tuy nhiên thời lượng cụ thể dành cho công tác công đoàn còn thiếu thực tế, không khả thi.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/se-giam-sat-toi-cao-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong-20240608203325020.htm