Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Tổ công tác số 01 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sáng 13/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng, tiến độ giải ngân rất chậm.

Các bộ, ngành, cơ quan phải làm rõ vướng mắc nằm ở khâu nào, thủ tục nào, chậm ở dự án nào, đề xuất các giải pháp gỡ vướng.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

13 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 01 là trên 38,319 nghìn tỷ đồng, dự kiến bố trí cho 22 nhiệm vụ và 80 dự án (trong đó 34 dự án chuyển tiếp và 46 dự án khởi công mới). Đến nay, 17 bộ, cơ quan Trung ương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trên 34,942 nghìn tỷ đồng, đạt 91,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là gần 3,4 nghìn tỷ đồng của 8 bộ, cơ quan.

Tổng số giải ngân của 17 bộ, cơ quan chỉ đạt 0,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%). Trong đó, có 13 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%), 4 bộ, cơ quan Trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái "điểm mặt" hàng loạt cơ quan giải ngân chưa đạt yêu cầu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do công tác tổ chức thực hiện (lập kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án) chưa sát sao, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư được giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - nhưng đến nay các dự án này chưa đủ thủ tục để giao kế hoạch năm, tổng số vốn là 2.311,7 tỷ đồng.

Vướng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, trong kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ năm 2023, chỉ có 318,9 tỷ đồng là bố trí cho thực hiện công trình xây dựng cơ bản của ngành (xây dựng Nhà máy In tiền quốc gia và hai công trình nhà ở của hai trường Đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh). Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chưa giải ngân được đồng nào trong số vốn này, nhưng trên thực tế, cơ quan này đã giải ngân được hơn 9%, vượt kế hoạch quý I/2023.

Số vốn còn lại 23,965 nghìn tỷ đồng là nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là số vốn nằm trong gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi sau dịch COVID-19.

Đối với số vốn này, ông Đào Minh Tú cho hay, quá trình giải ngân không được như mong muốn, có nhiều lý do khách quan. Sau hai năm thực hiện, đến nay, tổng số vốn giải ngân mới được 330/40.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư. 

"Nghị quyết 43/2022/QH15 có quy định cứng là "có khả năng phục hồi". Đây là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này, nhưng quy định như vậy rất chung chung, kể cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cũng không xác định được thế nào là khả năng phục hồi để thực hiện, rất khó làm", Phó Thống đốc Đào Minh Tú .

Ông cho biết, đoàn liên ngành đã đi khảo sát, đánh giá, cho thấy cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đều có tâm lý không muốn thực hiện chương trình này do "sợ nhất công tác hậu kiểm, có một sơ suất nào cũng có thể bị coi là vi phạm, bị truy thu lại và thành sai sót, khuyết điểm". Các ngân hàng đã giải ngân, doanh nghiệp đã thụ hưởng, sau này yêu cầu truy thu rất khó. Cách đây 10 năm cũng có câu chuyện tương tự với gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD và đến giờ chưa giải quyết xong.

Đề cập đến nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại là cách làm thông minh, sáng tạo, nếu làm được sẽ nhanh tới doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, đây là tiền ngân sách nhà nước, đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ. Tiêu chí điều kiện "doanh nghiệp có khả năng phục hồi" rất trừu tượng, khó đánh giá, nên đã nảy sinh vướng mắc trong quá trình triển khai.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo giải ngân tối đa có thể, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nếu chuyển sang dùng cho chính sách khác, phải làm rõ chính sách gì.

Lý giải về việc chưa giao kế hoạch vốn, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, nguồn đầu tư công được giao của cơ quan này là 88 tỷ đồng, bố trí cho một dự án về công nghệ thông tin. Đây là dự án rất khó, phải tích hợp, đánh giá sâu và cụ thể mới đạt hiệu quả, trong khi khái toán đầu tư của dự án này sau điều chỉnh là 300 tỷ đồng nhưng số vốn này chưa được ghi vào danh mục vốn đầu tư công trung hạn. Kiểm toán Nhà nước cam kết sẽ giao kế hoạch vốn trước 30/6.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, công điện liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, các cuộc họp hàng tháng của Chính phủ đều đề cập đến nội dung này. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành lưu ý các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng để đánh giá tình hình thực tế, triển khai sớm, xem công tác giải ngân là quan trọng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp tháo gỡ các vướng mắc. Phần vốn ngân sách dự trù đã có mà không giải ngân, để đọng vốn sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản của nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ. Nếu các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt, dòng tiền cho nền kinh tế cũng thông thoáng hơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân, xác định đây là trách nhiệm người đứng đầu. Các bộ, ngành chủ động rà soát trên tinh thần những dự án khó khăn, điều chuyển vốn trong nội bộ.

"Trong điều kiện hiện nay, phải làm chặt chẽ, không dám vượt rào, vận dụng nhiều, nhưng nếu tăng cường trách nhiệm hơn, giao cán bộ có năng lực, nắm được việc để xử lý, sẽ thúc đẩy tốt hơn", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý bộ, ngành quản lý nhà nước phối hợp tốt với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai, tổ chức thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán. Các bộ tích cực phối hợp, sửa đổi, gỡ vướng về chính sách.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/siet-chat-ky-cuong-ky-luat-trong-giai-ngan-von-dau-tu-20230413142414686.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26602 sec| 658.797 kb