Tư duy, tầm nhìn, chiến lược sâu sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất, mẫu mực, có tầm vóc thời đại và sức ảnh hưởng lớn của Đảng và Nhà nước ta. Suốt cuộc đời hoạt động, ông đã có những công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Một trong những dấu ấn đậm nét, nổi bật trong di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là những bước tiến trong nhận thức và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho biết, mình có may mắn nhiều năm được gần gũi, trao đổi và báo cáo công việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở nhiều cương vị khác nhau. Qua đó, ông cảm nhận được sự quan tâm sâu sát, tư duy, tầm nhìn, chiến lược sâu sắc của người đứng đầu Đảng trong tiến trình đổi mới đáp ứng nhu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta, nhất là cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tổng Bí thư chỉ đạo việc đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường vai trò của tòa án, đảm bảo công lý và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng chí cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan Nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành và sửa đổi, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng chí cũng chỉ đạo việc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân", ông Quyền khẳng định.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhớ lại vào đầu những năm 2000, việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động tư pháp bắt đầu được đặt ra và nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề mới, khó và còn có nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ. Yêu cầu đặt ra là cần sớm có một văn bản chỉ đạo mang tính định hướng tổng thể của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
Được sự thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương đứng đầu là đồng chí Trưởng ban Trương Vĩnh Trọng được giao chủ trì việc đánh giá, tổng kết thực tiễn và xây dựng dự thảo nghị quyết trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua.
"Sau khi được các đồng chí lãnh đạo đồng ý, anh Trương Vĩnh Trọng rất tâm đắc với nhiệm vụ này và chỉ đạo chúng tôi khẩn trương làm ngay. Tuy nhiên, vì đây là một vấn đề mới và khó, nên anh Trọng cũng rất lo lắng để làm sao chuẩn bị thật tốt các nội dung báo cáo Bộ Chính trị. Nhiều vấn đề còn sự khác biệt, chúng tôi phải chuẩn bị giải trình rất kỹ lưỡng.
Bấy giờ, anh Trương Vĩnh Trọng đã lưu ý chúng tôi cần tranh thủ ý kiến của anh Nguyễn Phú Trọng - Bí Thư Thành ủy Hà Nội vì đây không chỉ là một người sâu sát với thực tiễn mà còn có trình độ lý luận sâu sắc.
Qua trao đổi, anh Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp rất quan trọng với chúng tôi trong việc xây dựng, hoàn thành những văn kiện đầu tiên của Đảng về cải cách tư pháp. Kết quả, ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị đã thông qua việc ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Hơn 3 năm sau đó, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Qua những tiếp xúc trên, chúng tôi nhận thấy anh Nguyễn Phú Trọng là một người dành nhiều sự quan tâm, kiên trì ủng hộ tiến trình cải cách tư pháp. Dù bởi thời điểm ban đầu, cải cách tư pháp là một vấn đề rất khó, nhưng từ việc nhìn thấy rõ vai trò của nó trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nên anh Nguyễn Phú Trọng rất ủng hộ và có nhiều đóng góp thiết thực", Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tổng Bí thư chú trọng việc nghiên cứu, từng bước phát triển tư duy lý luận và thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư cũng xác định rõ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự thống nhất trong nhận thức và biến thành quyết tâm và kiên trì, kiên quyết thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 9/11/2022 về "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".
"Những quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng trong hành trình thực hiện mục tiêu phát triển đất nước", ông Quyền khẳng định.
Sự quan tâm đặc biệt dành cho giới luật gia
Đối với sự nghiệp phát triển của Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, trên các cương vị công tác của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đến các giới, giai tầng khác trong xã hội, trong đó thể hiện sự coi trọng đối với giới luật gia.
Điều đó, được thể hiện bằng việc chỉ đạo, xây dựng các văn kiện của Đảng trong các vấn đề cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để huy động giới luật gia vào công cuộc chung xây dựng và phát triển đất nước.
"Nhờ tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư mà trong suốt những năm qua Hội Luật gia Việt Nam ngày càng có sự phát triển vượt bậc, khẳng định vị trí, vai trò rõ ràng trong hệ thống chính trị hiện nay. Đây là điều rất đáng mừng đối với Hội Luật gia", Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền, cá nhân đồng chí Tổng Bí thư rất quan tâm chỉ đạo đối với Hội Luật gia Việt Nam. Trước hết là trong suốt quá trình làm Tổng Bí thư, đồng chí đã chỉ đạo vấn đề cho tổng kết, đánh giá hoạt động của Hội Luật gia.
Sau Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam cho đến nay, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 3 lần chỉ đạo để có sơ kết, tổng kết đánh giá về việc này.
Đầu tiên là năm 2012, tổ chức đánh giá thực hiện Chỉ thị 56. Trên cơ sở đó, Ban Bí thư đã ra kết luận 19 về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56 ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Tiếp đó là Thông báo kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đây là lần thứ 2 Hội Luật gia có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đánh giá lại giới Luật gia.
Đặc biệt quan trọng nhất là vào năm 2022, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đánh giá tổng kết toàn diện Chỉ thị 56. Trên cơ sở đó, giao cho Hội Luật gia Việt Nam tổ chức thực hiện, sau đó ngày 1/7/2022 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền, trong việc xây dựng Chỉ thị 14, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt, rõ ràng. Có những việc, nội dung mà đồng chí Tổng Bí thư chưa rõ thì đều có hỏi ông để làm rõ vấn đề.
"Đặc biệt, khi khẳng định vị thế của Hội Luật gia Việt Nam hiện nay, còn có những ý kiến khác nhau. Nhưng cuối cùng Tổng Bí thư kết luận rất rõ: "Khẳng định Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp". Điều đó khẳng định rằng Tổng Bí thư thấy được vai trò của giới luật gia", Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.
Nói thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị 14, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm, khi xây dựng Chỉ thị 14, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo Hội Luật gia nêu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của giới luật gia, nêu rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cấp ủy đảng, của Quốc hội, Chính phủ khi tham gia vào công tác Hội Luật gia. Điều này rất thuận lợi cho giới luật gia, khẳng định vị thế của Hội Luật gia là tổ chức "chính trị - xã hội – nghề nghiệp".
"Đây là tư tưởng chỉ đạo rất rõ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phải nói rằng, Hội Luật gia Việt Nam có được vị thế như hiện nay, ngoài sự nỗ lực chung của các cấp Hội, giới luật gia cả nước thì còn có sự chỉ đạo rất sát sao, chính xác của các đồng chí trong Bộ Chính trị. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Tổng Bí thư", Chủ tịch Quyền khẳng định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhắc thêm, Hội đề xuất xây dựng Đề án "Xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp". Đây là đề xuất hay của Hội Luật gia và đã báo cáo Ban Bí thư, sẽ tiến hành tổ chức khảo sát lấy ý kiến người dân về cải cách tư pháp.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến rất hay. Mặc dù đây là việc hoàn toàn mới, rất khó đối với Hội Luật gia, đối với công việc chung, lâu nay chưa bao giờ làm những công việc này, nhất là việc lấy ý kiến đánh giá về tư pháp thì chưa ai dám làm.
Nhưng khi báo cáo thì tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là rất lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, ý kiến của các đồng chí trong Ban Bí thư.
"Đồng chí nói rằng nên ủng hộ việc này, nhưng ủng hộ với điều kiện đây là việc khó, việc mới nên tư tưởng của Tổng Bí thư là cho làm thử, làm điểm trước", ông Quyền cho hay.
Với tinh thần đó, Ban Bí thư đã cho chủ trương ủng hộ Hội làm. Hiện nay, Hội Luật gia Việt Nam đã làm thử được 3 địa phương (Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái) và tiến tới làm thử với 8 địa phương nữa, để từ đó có đánh giá, báo cáo cụ thể xem kết quả thế nào. Trong quá trình triển khai, tôi rất thấm thía lời dặn của Tổng Bí thư.
"Một câu chuyện rất hay tôi muốn chia sẻ, là trong cuộc họp khi kết luận đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói một câu, đó chính là tư tưởng chỉ đạo mà trong suốt thời gian qua tôi luôn quán triệt anh em thực hiện: Anh Quyền nhé, bây giờ Ban Bí thư đồng ý cho việc này, nhưng phải làm thử. Đây là nội dung rất là khó, có nhiều ý kiến khác nhau, còn mới. Nên với trách nhiệm, trước đây anh đã làm ở Văn phòng Trung ương nên coi như anh "giúp" Ban Bí thư thực hiện cho đúng.
Câu nói đó rất nhẹ nhàng, sâu xa, tôi rất thấm thía câu nói đó, rất đi vào lòng người, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Đó như một lời dặn dò chứ không phải chỉ đạo anh phải làm thế này, làm thế kia, rằng Hội Luật gia phải như thế này như thế kia. Đó là câu nói mà sau khi về tôi có nói với anh em, phải làm cho thật tốt, làm thận trọng, có trách nhiệm. Để làm sao mình có được sản phẩm tốt nhất", ông Quyền bộc bạch.
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cũng chia sẻ thêm câu nói "giúp Ban Bí thư" càng khiến ông thấy trách nhiệm hơn, sâu sắc hơn. Với tư tưởng chỉ đạo như vậy, việc lấy ý kiến người dân các địa phương về đánh giá tư pháp, phải làm trọn trách nhiệm, làm cho thật tốt.
"Qua đây, tôi cũng thiết tha đề nghị đến giới luật gia phải quán triệt tinh thần như thế, làm thật tốt, làm đúng kỳ vọng cũng như chỉ đạo, lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho giới luật gia", Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.