Tại phiên họp thứ 32 diễn ra vào sáng 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa
Trình bày tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa... đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa. Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước ta.
Bố cục của dự thảo gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: Chính sách 1 - về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách 2 - về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Chính sách 3 - về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
"Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xác định di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành nhưng tính liên ngành rộng, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành quản lý, do đó, hồ sơ dự án Luật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan dự thảo, tổ chức các hội thảo, xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các Bộ, ngành địa phương, làm việc với các Bộ quản lý nhà nước liên quan về các nội dung có tính chất đan xen giữa Luật Di sản văn hóa với các Luật, hoàn thiện hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa
Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/3/2024 của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 3 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể.
Về đối tượng áp dụng, có ý kiến cho rằng, thuật ngữ "cá nhân Việt Nam", "cá nhân nước ngoài" quy định tại Điều 2 chưa phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý.
Thường trực Ủy ban khẳng định, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, như Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chủ trương, đường lối tại các văn bản khác của Đảng.
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, cơ bản thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các luật như: Luật Lưu trữ, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước,...để có cơ sở xây dựng các quy định bảo đảm chất lượng, khả thi.
Bên canh đó, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bám sát, nội luật hóa các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa...
Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, chu đáo
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, chu đáo, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu tác động; về cơ bản dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí, đánh giá cao ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong đó đã chỉ ra nhiều nội dung cụ thể, góp ý chi tiết nhiều nội dung dự thảo luật. Đồng thời nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tuy nhiên đây là dự thảo luật rất quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều luật, vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra lưu ý các nội dung đại biểu có ý kiến tại Phiên họp về: chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; bổ sung một số chính sách đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa; định mức đơn giá trong các công trình văn hóa phải đảm bảo tuổi thọ lâu dài; vấn đề bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; bố cục dự thảo luật và tính thống nhất của luật với các luật khác, trong đó lưu ý thống nhất với Luật Lưu trữ sắp được Quốc hội thông qua; vấn đề thủ tục hành chính và đầu tư kinh doanh; nguồn lực đảm bảo kinh phí trong phân công, phân cấp, trách nhiệm thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Luật. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra, tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo Báo Chính phủ