Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục chồng chéo, bất cập, 'quân xanh, quân đỏ', thông đồng, dìm giá

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục chồng chéo, bất cập, 'quân xanh, quân đỏ', thông đồng, dìm giá
Ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp Hội đồng Thẩm định Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Một trong những yêu cầu lớn của việc sửa đổi lần này là khắc phục cho được tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông đồng, dìm giá" trong đấu giá tài sản.

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục chồng chéo, bất cập, 'quân xanh, quân đỏ', thông đồng, dìm giá
Nâng cao hoạt động đấu giá tài sản, từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước - Ảnh: VGP/LS

Thúc đẩy hoạt động đấu giá chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, nhất là tài sản công. 

Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập; chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông đồng, dìm giá" trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp… Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành nhằm khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng cho biết trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến đối với dự án Luật, về cơ bản các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành và những nội dung chính của dự án Luật. 

Tuy nhiên, trong trường hợp người có tài sản lựa chọn hình thức trực tuyến để tổ chức đấu giá tài sản công thì còn ý kiến khác nhau.

Cụ thể là: Khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá tất cả các loại tài sản (gồm tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức) thì tổ chức đấu giá tài sản có thể lựa chọn sử dụng Trang Thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia hoặc Trang Thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá. 

Loại ý kiến khác cho rằng khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá tài sản công thì tổ chức đấu giá tài sản phải sử dụng Trang Thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia (thuộc Cổng Thông tin đấu giá tài sản quốc gia) để tổ chức việc đấu giá, đảm bảo tính thống nhất, tập trung, vừa đảm bảo tính khách quan, minh bạch, có sự kiểm soát chặt chẽ. 

Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong việc xử lý tài sản công của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Đây cũng là những vấn đề Ban Soạn thảo đưa ra để trao đổi, thảo luận, thống nhất ý kiến.

Tại phiên thẩm định, nhiều vấn đề được các đại biểu nêu ra đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) như: Có sự khác nhau hay không giữa khái niệm bán tài sản bằng hình thức đấu giá với xử lý tài sản bằng hình thức đấu giá? Nếu thay từ "bán tài sản" bằng "xử lý tài sản" thì liệu có kéo theo việc phải sửa đổi một loạt quy định tại các chương, điều đang sử dụng khái niệm "bán tài sản" hay không? 

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm một số nội dung như: Hình thức đấu giá trực tuyến với một số tài sản bắt buộc; cơ sở xây dựng Cổng Thông tin quốc gia về đấu giá tài sản, đào tạo nghề đấu giá viên; các loại tài sản đấu giá, niêm yết việc đấu giá…

Quy định rõ bước giá và cách áp dụng bước giá trong từng hình thức đấu giá

Về quy định "bước giá" được quy định tại Khoản 1 Điều 5, đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội cho biết "bước giá" là mức chênh lệch tối thiểu hoặc tối thiểu và có tối đa hoặc cố định giữa lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm hoặc giữa lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề. 

Nhưng trên thực tế, có những hình thức đấu giá không có sự trả giá trước và sau như đấu giá bằng hình thức trả giá gián tiếp hoặc đấu giá bằng hình thức trả giá trực tiếp hình thức bỏ phiếu nhiều vòng thì tất cả việc trả giá người ta trả giá cùng một lúc, không có ai trước, ai sau. Vậy trong trường hợp này, "bước giá" được áp dụng như thế nào?

Bước giá do người có tài sản quyết định trong trường hợp có tài có mức giá, nhưng trong hình thức đấu giá mà không biết mức giá áp dụng như thế nào thì áp dụng mức giá bằng cách nào?

Về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 39 quy định "trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm của tài sản đấu giá hoặc giá khởi điểm của tài sản đấu giá không xác định bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó". 

Đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội cho biết hiện nay tất cả các hình thức đấu giá đều phải có giá khởi điểm, do đó nếu chưa xác định được giá khởi điểm thì không thể thực hiện đấu giá. Vì vậy, trường hợp này cần phải nghiên cứu, cân nhắc thêm.

Về thông báo công khai việc đấu giá tài sản, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật (sửa đổi) bỏ quy định về việc đăng thông báo trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và thay bằng quy định thông báo công khai ít nhất 2 lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc.

 Theo đại diện của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội, phải xem xét cả quá trình đấu giá, việc thông báo công khai này rất quan trọng để bảo đảm tính công khai, minh bạch, nếu các tổ chức đấu giá mà "lách" được quy định này thì việc đấu giá sẽ dễ bị "thao túng". 

Về "câu chuyện" một số tài sản lớn thì tiền đặt trước phải đưa vào tài khoản phong tỏa theo quy định của pháp luật về ngân hàng. 

Theo bà Nguyễn Thị Mai, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng đây cũng là vấn đề cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi vì, không chỉ có tài sản được quy định trong Điều 39 của Luật hiện hành (quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng tần số vô tuyến điện) mới là tài sản có giá trị lớn. 

Trên thực tế, có những tài sản là quyền sử dụng đất ở vùng sâu, xa cũng chỉ có giá trị vài tỷ đồng nhưng có những tài sản không phải là quyền sử dụng đất như sân bay, cảng biển, cánh rừng cao su cần thanh lý có giá trị rất lớn. Như vậy, dự thảo Luật lại chỉ "chốt" tài sản có giá trị lớn là quyền sử dụng đất là chưa đầy đủ. 

Đối với tài sản phong tỏa, Luật quy định khi chấm dứt hoặc rút tiền từ tài khoản phong tỏa thì phải có sự có mặt của các bên để xử lý tài khoản đó, nhưng nếu có sự trục trặc mà có những bên liên quan không có mặt được thì sẽ không thực hiện được. Do đó, quy định này cũng không cần thiết.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong đấu giá tài sản

Phát biểu tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật cần phù hợp với chú trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp Hiến pháp, Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng…

Đồng tình với hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong đấu giá tài sản, ông Trần Tiến Dũng lưu ý cần đưa vào Luật sửa đổi những nội dụng chọn lọc, thật sự cần thiết sửa đổi để khắc phục được 5 nhóm hạn chế được nêu trong dự thảo Tờ trình, nhất là với tình trạng thông đồng, dìm giá.

"Thực tế cho thấy việc bán hồ sơ đấu giá hiện nay còn rất nhiều vấn đề nhằm hạn chế quyền của người tham gia đấu giá; việc niêm yết thông báo đấu giá thời gian còn ngắn, chưa hiệu quả, do vậy nếu việc bán hồ sơ qua mạng giúp giúp tăng tính minh bạch thì chúng ta hoàn toàn có thể quy định được", Thứ trưởng nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu việc liên kết với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan như công chứng, đất đai để tăng tính thuận tiện, minh bạch.

Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá. Dự thảo Luật chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định về: Tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch và về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/sua-doi-luat-dau-gia-tai-san-khac-phuc-chong-cheo-bat-cap-quan-xanh-quan-do-thong-dong-dim-gia-102230628155754345.htm 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38226 sec| 682.875 kb