Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Sửa đổi Luật Đầu tư công: Khắc phục 'sợ sai, sợ trách nhiệm', bảo vệ cán bộ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Sửa đổi Luật Đầu tư công: Khắc phục 'sợ sai, sợ trách nhiệm', bảo vệ cán bộ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Sáng 23/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp Hội đồng tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công sửa đổi.

Sửa đổi Luật Đầu tư công: Khắc phục 'sợ sai, sợ trách nhiệm', bảo vệ cán bộ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương trong quản lý thực hiện dự án, kế hoạch đầu tư công - Ảnh: VGP/LS

5 nhóm chính sách lớn trong sửa đổi Luật Đầu tư công

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc sửa đổi Luật lần này kế thừa các ưu điểm, kết quả của Luật hiện hành và tiến hành sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình triển khai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục và thể chế hóa một số nội dung thí điểm đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước trong tình hình mới.

Theo đó, Luật sửa đổi tập trung vào các nhóm chính sách lớn như: nhóm chính sách về luật hóa các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về các cơ chế, chính sách thí điểm đã được Quốc hội cho phép áp dụng và phát huy hiệu quả cơ chế trong thời gian qua. Trong đó, có một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù "đã chín, đã rõ", đã phát huy hiệu quả, có thể nghiên cứu, xem xét để thể chế hóa trong Luật để mở rộng đối tượng, phạm vi áp dụng các bộ, ngành, địa phương khác trên cả nước.

Đối với nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương trong quản lý thực hiện dự án, kế hoạch đầu tư công.

Mục tiêu của chính sách này nhằm phát huy hơn nữa sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện và triển khai kế hoạch đầu tư công, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng "tiền kiểm sang hậu kiểm", khai thác hiệu quả hơn nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện các dự án đầu tư của địa phương, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030.

Nhóm chính sách liên quan đến nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án, huy động năng lực quản lý và nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác trong thực hiện dự án đầu tư công.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, nội dung chính sách này nhằm đa dạng hóa, mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công, khai thác tối đa năng lực đề xuất, quản lý, thực hiện dự án, nguồn lực của các địa phương và các thành phần kinh tế khác, nguồn lực để tham gia thực hiện dự án đầu tư công.

Đồng thời, khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án.

Nhóm chính sách 4 về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài) được đề xuất sửa đổi nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong xây dựng, thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp với tính chất đặc thù của nguồn vốn này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Đối với nhóm chính sách cuối cùng về đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục, làm rõ các quy định còn còn có cách hiểu khác nhau, bổ sung một số quy định cần thiết trong quá trình triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, làm rõ một số quy định còn có cách hiểu khác nhau và bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để xử lý một số vấn đề phát sinh nhưng chưa được quy định cụ thể.

Qua đó, tạo thuận lợi trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, góp phần khắc phục tình trạng "sợ sai, sợ trách nhiệm, e ngại" trong một bộ phận cán bộ, công chức, thực hiện quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Sửa đổi Luật Đầu tư công: Khắc phục 'sợ sai, sợ trách nhiệm', bảo vệ cán bộ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: VGP/LS

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác

Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định dự án Luật Đầu tư công sửa đổi đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề nổi cộm, cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương đã vướng mắc, cần tháo gỡ kịp thời như vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, giải ngân vốn ngân sách…, đặc biệt là tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật Đầu tư công và các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng,… rà soát về tính tương thích và phù hợp của dự án Luật với các Hiệp định, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết hoặc tham gia…

Ông Trần Quang Anh, Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, Luật Đầu tư công 2019 không quy định các nội dung cấp phép bố trí ngân sách trung ương cho doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào hỗ trợ nợ, đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như nguồn vốn ngân sách nhà nước để duy trì, bảo dưỡng, xây dựng các công trình hồ đập, thuỷ lợi. Điều này dẫn tới việc một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao dự án đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách nhà nước khiến tiến độ các dự án bị chậm trễ. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung này để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Bùi Phương Đông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhất trí với việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án và thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, việc phân cấp này sẽ góp phần không nhỏ để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Cùng với đó, để giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đầu tư, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định trình tự, thủ tục áp dụng với các nguồn vốn vay ODA cho các doanh nghiệp vay lại theo hướng trình tự, thủ tục đầu tư về vốn ban đầu sẽ tuân theo Luật Đầu tư công còn quá trình thực hiện dự án đầu tư sẽ được xác định như quy trình vay thương mại và tuân theo quy định pháp luật chuyên ngành.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, nguồn vốn OAD có tính chất đặc thù về phương thức, hình thức sử dụng vốn, điều kiện và thủ tục tài trợ, quy trình, thủ tục giải ngân…; vì vậy cần thiết phải có 1 chương riêng để quy định chi tiết. Cùng với đó, hiện dự thảo Luật quy định một phần của vốn đầu tư công là nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2019, một trong những nguồn vốn ngân sách nhà nước được hình thành từ bội chi ngân sách trung ương, trong đó loại trừ các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Vì vậy, đồng chí đề nghị cân nhắc không đưa nội dung về việc bổ sung quy định cơ quan gửi đề xuất dự án sử dụng vốn nước ngoài cho công ty con của doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và cho biết Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu và thể hiện đầy đủ các ý kiến tại Báo cáo thẩm định. Thứ trưởng cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chủ động, nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc kịp thời chuẩn bị hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết minh thêm về tính cấp bách, sự cần thiết của 5 chính sách để đề xuất xây dựng Luật này theo quy trình rút gọn, thông qua trong 1 kỳ họp Quốc hội.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cơ sở chính trị để ban hành Luật là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về cải cách thể chế, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và một số nghị quyết khác có liên quan tới đầu tư công.

Về tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định với Hiến pháp và các luật khác như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước…

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát lại nội dung về phân loại dự án; dự án triển khai trên hai hoặc nhiều đơn vị hành chính; nghiên cứu các giải pháp để rút ngắn thời gian thực hiện dự án như chuẩn bị đầu tư hiệu quả, tăng cường cắt giảm thủ tục hành chính…

Theo Báo Chính phủ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.40997 sec| 671.234 kb