Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đổi mới căn bản tồn tại, hạn chế trong thực tiễn

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đổi mới căn bản tồn tại, hạn chế trong thực tiễn
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án luật liên quan đến hàng triệu người dân cả nước. Vì vậy, việc góp ý sửa đổi phải đổi mới căn bản được những tồn tại, hạn chế.

Cần thiết sửa đổi luật

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm (sửa đổi). Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới.

Căn cứ Nghị quyết số 50/2022/QH15của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, Nghị quyết số 530/NQ-UBTVQH15của UBTVQHvề chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022.

Thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được Đảng, Nhà nước giao, ngày 30/8 Hội Luật gia Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết với tinh thần, trách nhiệm của Hội Luật gia trong tình hình công tác mới, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 14 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, suốt thời gian qua các cấp Hội đã rất chủ động, tích cực tham gia góp ý có trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đổi mới căn bản tồn tại, hạn chế trong thực tiễn
TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Một trong những hoạt động thường xuyên của Hội đó là tổ chức các Hội thảo, tọa đàm góp ý các dự án Luật như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Trọng tài thương mại… và ngày 30/8 tới đây sẽ góp ý về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền, bên cạnh những kết quả đạt được theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn tồn tại một số hạn chế, bất cập và cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Những nội dung cần quan tâm, cho ý kiến tại dự thảo Luật này có thể kể đến như: Các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc rút bảo hiểm xã hội một lần; xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội; về điều kiện hưởng lương hưu ở Điều 71 dự thảo luật quy định giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm….

“Theo tôi, việc sửa đổi Luật lần này cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh và kỳ vọng Hội thảo do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sẽ ghi nhận, tập hợp được nhiều ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia để gửi đến cơ quan soạn thảo, các cơ quan Quốc hội xem xét, tham khảo.

Để lĩnh vực bảo hiểm xã hội ngày càng tốt hơn

Cùng trao đổi, TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khoá XV cho biết, Hội Luật gia Việt Nam rất quan tâm, triển khai thực hiện Chỉ thị 14. Một trong những nhiệm vụ đề ra đó là chủ động, tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng chính sách pháp luật, nhất là những dự án Luật nằm trong chương trình Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua.

“Những dự án Luật trước kỳ họp Quốc hội đều được Hội Luật gia xem xét, rà soát lại và có những ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao nhất vào từng dự án luật”, ông Trần Công Phàn nhấn mạnh.

Theo ông Trần Công Phàn, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án luật liên quan đến hàng triệu người dân trên cả nước. Thời gian gần đây, nổi lên vấn đề rất đáng quan tâm, đó là nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đổi mới căn bản tồn tại, hạn chế trong thực tiễn
TS. Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV.

Vì thế, liên quan đến dự thảo luật Bảo hiểm xã hội, nhiều việc cần làm là bàn xem có mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không? Làm sao thu hút được người tham gia bảo hiểm tự nguyện? Khi tham gia bảo hiểm xã hội sẽ tác động gì đến chính sách hưởng lương hưu đối với người lao động sau nghỉ hưu? Thời gian tham gia đóng bảo hiểm; trốn đóng bảo hiểm xã hội…

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, Hội Luật gia Việt Nam rất mong muốn tập hợp được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, những người có thực tiễn, lý luận trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, làm sao để lĩnh vực bảo hiểm xã hội ngày một tốt hơn.

“Với tư cách là ĐBQH, qua Hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), sau khi lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu…tôi cũng sẽ tập hợp nghiên cứu, để có ý kiến góp ý tại kỳ họp Quốc hội tới đây (lần thứ 6) khi thông qua dự thảo Luật này”, ông Trần Công Phàn cho biết.

Phải tránh thiệt thòi cho người tham gia

Cho ý kiến về thời gian giảm đóng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Thừa Thiên - Huế cho hay, một số đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là phù hợp.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng cần phân loại nhóm đối tượng, đối tượng nào cần giảm và nên duy trì, cần đánh giá kỹ tác động.

Đại biểu băn khoăn, việc đóng bảo hiểm 15 năm thì định mức lương được hưởng sau khi hoàn thành giai đoạn đóng bảo hiểm sẽ là bao nhiêu? Ngoài ra, có những người vẫn còn đủ điều kiện, sức khỏe để công tác, cống hiến như chuyên gia, khoa học… thì cần phân nhóm giai đoạn để đóng bảo hiểm xã hội để tránh thiệt thòi.

Đại biểu cũng lưu ý, trong việc rút thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã tính câu chuyện tác động đến sự bền vững của Quỹ bảo hiểm xã hội hay chưa?

“Tôi cho rằng cần có những cách linh hoạt để tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với từng loại đối tượng và phù hợp với từng môi trường lao động, từng vùng miền núi, nông thôn, biên giới…”, bà Sửu .

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đổi mới căn bản tồn tại, hạn chế trong thực tiễn
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu.

Bà Sửu rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, sẽ giúp có góc nhìn toàn diện, không chỉ điều chỉnh về thời hạn tham gia bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương mà còn tính toán các định mức lương phù hợp ứng với thời gian đóng. Cùng với đó, có cách hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bên cạnh đó, bà Sửu cho rằng cần bổ sung ngay những quy định ràng buộc cho việc đóng bảo hiểm xã hội cả bắt buộc và tự nguyện. Đại biểu đề nghị cần có hình thức khuyến khích tự nguyện, bởi khi đóng tự nguyện thì việc rút bảo hiểm xã hội đối với những người có ý định rút sẽ dừng lại.

“Việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng cần làm rõ vì sao chậm đóng? Và chúng ta cần có chế tài xử lý nghiêm vấn đề này”, bà Sửu nói.

Trong dự Luật lần này, có những chương, điều áp dụng và quy định đối với doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị cần có những nghiên cứu sâu, quy định để không có “lỗ hổng” trong vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động tại các tổ chức, doanh nghiệp.

“Việc sửa Luật cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, những bất cập của Luật hiện hành đã được chỉ ra trong dự thảo nên cần phải được bàn thảo, có phương án giải quyết một cách thấu đáo, tránh câu chuyện “luật khung, luật ống””, nữ đại biểu nhấn mạnh.

Hạn chế mức thấp nhất rút BHXH một lần

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, những nội dung đưa ra bàn thảo trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này làm sao hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Luật có những ưu đãi gợi mở nhất, người lao động có quyền lợi thiết thực nhất để  không rút bảo hiểm xã hội một lần, đây là vấn đề quan trọng cần xem xét, bàn thảo”, ông Hòa nói.

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đổi mới căn bản tồn tại, hạn chế trong thực tiễn
ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Thêm một vấn đề đại biểu đoàn Đồng Tháp quan tâm đó là đề xuất người lao động đóng đủ 15 thay vì đóng 20 năm như luật hiện hành thì được hưởng lương hưu, đây là điều cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra những lý do “chưa đủ sức hấp dẫn” để người tham gia bảo hiểm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Sửu, ông Hòa cũng băn khoăn về việc đóng bảo hiểm 15 năm thì sau đó sẽ được hưởng mức lương hưu như thế nào. “Điều này cần phải cân nhắc, xem xét lại”, ông Hòa nói.

Ông cũng nói thêm, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phải làm sao sửa được những vấn đề cơ bản, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm.

Tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động

Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Nghị quyết số 28 đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.

Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như:

Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội;

Bên cạnh đó, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt....

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.30098 sec| 682.641 kb