Thống nhất về tầm quan trọng và cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn 2012 cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bà Nguyễn Mai Trâm, đại diện Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, đóng góp ý kiến những quy định về thời gian sử dụng giờ làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách (khoản 2, Điều 27 của Dự thảo Luật sửa đổi) và đề nghị sử dụng phương án 2 có những thay đổi so với Luật Công đoàn 2012.
Cụ thể là quy định cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với Ủy viên Ban Chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm.
Theo bà Mai Trâm, phương án này đã có những quy định vừa chi tiết, vừa mở rộng, linh hoạt để các đơn vị sử dụng lao động có thể áp dụng, nhưng vẫn dựa trên những tiêu chí cụ thể, tránh trường hợp cán bộ công đoàn không chuyên trách không được tạo điều kiện quỹ thời gian phù hợp cho công việc đảm nhiệm, không thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Phương Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bến Thành cho rằng, cần giữ nguyên như quy định của Luật Công đoàn 2012, vì các doanh nghiệp cổ phần, đơn vị không có nguồn chi phối nhà nước mà cán bộ công đoàn không chuyên trách dành quá nhiều thời gian cho công tác công đoàn sẽ ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, nghiệp vụ, ảnh hưởng đến cơ hội tăng tiến nghề nghiệp và thu nhập của cá nhân. Vì thế thời gian hoạt động công đoàn của cán bộ công đoàn không chuyên trách nên giữ nguyên; nếu cần thiết tăng thêm thời gian thì theo thỏa thuận giữa công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động.
Trong khi đó, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến quy định quyền khởi kiện của công đoàn khi nhận thấy người sử dụng lao động xâm phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động.
Theo ông Trần Văn Triều, thực tế vừa qua cho thấy, việc khởi kiện của công đoàn gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là về vấn đề ủy quyền khi cơ chế ủy quyền còn phức tạp. Ví dụ như doanh nghiệp có hàng ngàn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội thì rất khó để tất cả người lao động viết giấy ủy quyền cho tổ chức công đoàn. Vì thế, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cần nghiên cứu xây dựng điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức công đoàn thực hiện quyền khởi kiện khi quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm phạm.
Các đại biểu dự Hội thảo cũng trao đổi, góp ý với những nội dung trong Dự thảo Luật sửa đổi liên quan đến việc thu và sử dụng tài chính công đoàn; những hành vi bị nghiêm cấm; công tác giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; các vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp…
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương và 36 điều, nhiều hơn 3 điều so với Luật Công đoàn năm 2012.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/sua-luat-cong-doan-de-dam-bao-quyen-loi-chinh-dang-cua-nguoi-lao-dong-20240411142729223.htm