Cùng dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, từ khóa XIV, hai cơ quan đã phối hợp hiệu quả với nhiều cải tiến căn bản, cùng theo dõi, đôn đốc thực hiện, giám sát văn bản. Đến nay, những cải tiến, đổi mới phối hợp giữa hai cơ quan tiếp tục được kế thừa, phát triển được lãnh đạo Quốc hội đặc biệt đánh giá cao, khen ngợi, biểu dương.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mới đây do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức đã khẳng định “công tác lập pháp đạt và vượt yêu cầu chương trình đề ra”. Kết quả này là nhờ đóng góp quan trọng của hai cơ quan tham mưu của Quốc hội, Chính phủ là Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp. Điều này càng khẳng định những đổi mới hiệu quả trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ của hai bên đã đóng góp vào công việc chung ngày càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai cơ quan tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, kết quả đạt được; lưu ý hai bên trong việc thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vừa qua. Trong đó, có các yêu cầu, như: triển khai nghiêm túc 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng ban hành pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật…
Khẳng định công tác lập pháp đã có bước tiến dài trong suốt nhiều năm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai cơ quan tiếp tục thực hiện tốt, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, trước mắt là chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, những năm qua, công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp có nhiều đổi mới tích cực cả về nội dung, phương thức triển khai, thể hiện ở kết quả công việc được lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, có được kết quả này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, từ sớm, từ xa giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật cùng lãnh đạo Bộ Tư pháp, giữa Vụ Pháp luật - đơn vị tham mưu, giúp việc của Ủy ban Pháp luật với các vụ, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; là kết quả của sự tận tụy, trách nhiệm, tinh thần vì công việc chung của đội ngũ cán bộ, công chức của hai cơ quan.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, hai bên cần tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đạt được; mong muốn Ủy ban Pháp luật trong thẩm tra các nội dung có sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để từ đó rà soát nội dung văn bản dự thảo trước khi trình Quốc hội.
Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi về một số nội dung trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan; thống nhất một số nội dung trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới, nhằm tăng cường công tác phối hợp để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công việc.
Theo TTXVN
Link gốc: https://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-phoi-hop-giua-uy-ban-phap-luat-cua-quoc-hoi-va-bo-tu-phap-20220905202557558.htm