Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, sáng ngày13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).
Theo dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình tại phiên họp, phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng là giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với hình thức và phạm vi như nội dung thể hiện tại Nghị quyết số 110 của Quốc hội.
Thời hạn áp dụng chính sách từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Đồng thời, giao Chính phủ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách trong phạm vi bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, về thuế VAT, Bộ Chính trị đã đồng ý về mặt chủ trương, có văn bản kết luận của Bộ Chính trị.
Do đó, giao Chính phủ có tờ trình tóm tắt, Ủy ban Tài chính ngân sách có báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký có công văn đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, sau đó, tổng hợp đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế VAT theo tờ trình của Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến cơ quan thẩm tra để báo cáo bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, quyết định.