Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4.

Phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc về bảo hiểm

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 24/4/2023 phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân quốc về bảo hiểm xã hội đã ký ngày 14/12/2021 tại Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại, công bố và lưu chiểu Hiệp định theo quy định của pháp luật.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan ký kết Thỏa thuận hành chính theo quy định tại Điều 13 của Hiệp định và tổ chức triển khai Hiệp định sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nghị định này quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.

Danh mục dự án được áp dụng quy định về thí điểm thưởng hợp đồng kèm theo Nghị định này có 15 dự án: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1;...

Về nguyên tắc thưởng, công trình, hạng mục công trình phải được thực hiện theo đúng hợp đồng (về số lượng, khối lượng, chất lượng), đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và phải được nghiệm thu, bàn giao theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Việc thưởng hợp đồng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng; phải được quy định rõ trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được thể hiện trong hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Việc thưởng hợp đồng được áp dụng cho từng gói thầu cụ thể. Số tiền thưởng không vượt nguồn tiền thưởng quy định. Việc thưởng hợp đồng chỉ áp dụng đối với nhà thầu tuân thủ pháp luật trong thực hiện gói thầu và có nguồn tiền thưởng thực tế.

Không áp dụng thưởng đối với các trường hợp xác định giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và ký kết hợp đồng không theo quy định pháp luật về xây dựng nhằm trục lợi tiền thưởng.

Tiền thưởng hợp đồng được sử dụng từ số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu).

Phương pháp tính số tiền thưởng

Số tiền thưởng (T) = TD x TG x K.

Trong đó:

- TD là Số tiền dư sau đấu thầu = Giá gói thầu theo dự toán được duyệt (không tính dự phòng)

- Giá trúng thầu (không tính dự phòng).

- TG là Tỉ lệ thời gian rút ngắn (%) = Thời gian rút ngắn (ngày)/Thời gian thực hiện theo hợp đồng (ngày). Trường hợp TG > 20% thì TG được lấy giá trị bằng 20%.

Thời gian thực hiện theo hợp đồng là thời gian được xác định cụ thể trong hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, không tính thời gian gián đoạn do các yếu tố chủ quan từ phía chủ đầu tư, yếu tố khách quan vì các lý do bất khả kháng được hai bên thỏa thuận.

Thời gian rút ngắn = Thời gian thực hiện theo hợp đồng-Thời gian thực hiện gói thầu thực tế.

- K là Hệ số khuyến khích = 5.

Điều chỉnh, thu hồi tiền thưởng

Điều chỉnh, thu hồi tiền thưởng thực hiện trong trường hợp phát sinh các sai lệch do cách tính tiền thưởng hoặc vi phạm các nguyên tắc thưởng theo kết luận thanh tra, kiểm tra. Trong thời gian 30 ngày kể từ khi kết luận thanh tra, kiểm tra có hiệu lực, chủ đầu tư ban hành quyết định thu hồi tiền thưởng tương ứng với số tiền sai lệch theo kết luận thanh tra, kiểm tra và yêu cầu nhà thầu nộp vào Kho bạc Nhà nước theo văn bản cam kết của nhà thầu tại hồ sơ xét thưởng hợp đồng.

Nội dung quyết định thu hồi tiền thưởng hợp đồng bao gồm: Tên nhà thầu, tên gói thầu, lý do thu hồi, số tiền thu hồi cụ thể, hình thức thu hồi và thời điểm thu hồi.

Nhà thầu có trách nhiệm hoàn trả số tiền bị thu hồi vào ngân sách Nhà nước trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi tiền thưởng có hiệu lực. Quá thời gian trên, nhà thầu chịu lãi phạt bổ sung theo tỷ giá của liên ngân hàng tại thời điểm hoàn trả.

Các gói thầu xây lắp thuộc các dự án trong Phụ lục I kèm theo Nghị định này đã ký hợp đồng trước thời điểm 25/4/2023 mà việc thưởng hợp đồng chưa được quy định trong kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng quy định về thưởng hợp đồng đối với các gói thầu này; căn cứ quyết định của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và nhà thầu ký kết bổ sung phụ lục hợp đồng về nội dung thưởng hợp đồng theo quy định tại Nghị định này.

Ban hành Nghị định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Nghị định quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Theo đó, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp và các quy định sau:

a) Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm đủ nguồn lực, đầu tư đủ vốn điều lệ để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao.

b) Được sử dụng các nguồn lực được giao để hoạt động sản xuất kinh doanh (ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh) khi bảo đảm các điều kiện: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chấp thuận, phê duyệt bằng văn bản; hoạt động kinh doanh bổ sung có mục đích để kết hợp hỗ trợ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc để phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; không làm giảm năng lực và ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao; thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

c) Quản lý nguồn lực được giao để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo các quy định hiện hành.

d) Chấp hành các quy định pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về hợp tác quốc tế khi thực hiện các hoạt động liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

đ) Chấp hành quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc chuyển giao phần vốn hoặc tài sản phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở doanh nghiệp khác trong trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật hiện hành.

Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp và các quy định sau: Quản lý nguồn lực được giao để thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh theo các quy định hiện hành.

Đồng thời chấp hành các quy định pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về hợp tác quốc tế khi thực hiện các hoạt động liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất

Nghị định cũng nêu rõ về chính sách đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được áp dụng các chính sách gồm:

Được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý, sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định pháp luật về đất đai, thuế và pháp luật có liên quan.

Được Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để đảm bảo các khoản chi theo chế độ, định mức theo quy định của pháp luật gồm: quân trang cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu; chi cho nhiệm vụ diễn tập, huấn luyện chiến đấu, huấn luyện dự bị động viên; các khoản chi cho công tác quốc phòng, an ninh, công tác phục vụ quốc phòng, quan hệ quân dân. Trường hợp ngân sách nhà nước không đảm bảo đủ thì số chi chưa được đảm bảo được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn; được loại trừ khi thực hiện đánh giá, xếp loại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Được Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để cấp kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành các dây chuyền, trang thiết bị sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng, an ninh trong thời gian tạm ngừng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh theo kế hoạch, nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chuyên môn, đơn vị đầu mối trực thuộc giao nhiệm vụ, đặt hàng.

Được Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 2 tháng lương thực hiện trong trường hợp không đủ nguồn để trích lập.

Được Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá; hoặc nhà trẻ, bệnh xá trên địa bàn cần thiết phải duy trì theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động

Người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được áp dụng các chế độ, chính sách sau:

Tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và căn cứ vào năng suất lao động và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.

Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật ưu đãi về người có công với cách mạng; người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Nhà nước bố trí kinh phí để đảm bảo trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu; thanh toán các khoản chi xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2023.

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 25/4/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Phó Trưởng ban.

Thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức triển khai vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ban Chỉ đạo đề xuất giải pháp để hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc 

Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn: Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo

Theo Quyết định, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giúp Trưởng ban trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng ban giao.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quyết định thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Thành viên Tổ giúp việc, Ban Chỉ đạo là lãnh đạo và chuyên viên thuộc một số đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính.

Kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Nội vụ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung chi, mức chi, việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và các quy định hiện hành có liên quan.

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 10/2023/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn có nhiệm vụ và quyền hạn quản lý các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn; quản lý, hướng dẫn hoạt động khí tượng thủy văn đối với các công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thẩm định nội dung về khí tượng thủy văn trong quy hoạch, thiết kế các công trình, dự án đầu tư xây dựng trọng điểm quốc gia và trong quy hoạch, thiết kế các công trình, dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật; thẩm định các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình khí tượng thủy văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; tổ chức thực hiện các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn;

Về , cảnh báo và truyền phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai, không bao gồm thiên tai cháy rừng do tự nhiên, Tổng cục Khí tượng Thủy văn quản lý các hoạt động dự báo, cảnh báo, truyền phát tin khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai; hướng dẫn việc cung cấp, sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật;

Kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo, truyền phát tin khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật;

Tổ chức thẩm định các kịch bản cảnh báo sóng thần đối với Việt Nam theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia; tổ chức thực hiện các hoạt động dự báo, cảnh báo, truyền phát tin khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai; phân vùng rủi ro thiên tai; dự báo, đánh giá khí hậu, thủy văn, hải văn, tiềm năng gió, mặt trời, sóng, thủy điện phục vụ chỉ đạo, điều hành, khai thác, sản xuất năng lượng không tái tạo và tái tạo theo quy định của pháp luật;

Tổ chức xây dựng, thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố bộ chuẩn khí hậu quốc gia, đánh giá khí hậu quốc gia; xây dựng và triển khai Khung dịch vụ khí hậu quốc gia cho Việt Nam trên cơ sở Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu;...

Cơ cấu tổ chức Tổng cục Khí tượng Thủy văn

1- Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn.

2- Vụ Quản lý mạng lưới khí tượng thủy văn.

3- Vụ Khoa học, và Hợp tác quốc tế.

4- Vụ Kế hoạch-Tài chính.

5- Vụ Tổ chức cán bộ.

6- Văn phòng Tổng cục.

7- Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia.

8- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

9- Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn.

10- Trung tâm Công nghệ khí tượng thủy văn.

11- Trung tâm Hải văn.

12- Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn.

13- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Miền núi phía Bắc.

14- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.

15- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ.

16- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

17- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ.

18- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ.

19- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên.

Các tổ chức quy định từ (1) đến (6) nêu trên là các tổ chức giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ (7) đến (19) là các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Tổng cục.

Văn phòng Tổng cục Khí tượng Thủy văn có 3 phòng.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn có Tổng cục trưởng và không quá 04 Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức trực thuộc Tổng cục; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Tổng cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2023 thay thế Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg ngày 23/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về điều khoản chuyển tiếp, Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng cao không, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn, Tạp chí Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Ứng dụng công nghệ khí tượng thủy văn, Trung tâm Hải văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị quy định tại (7), (9), (10), (11), (13) và (14) nêu trên được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có hiệu lực thi hành.

Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ký Quyết định 29/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 25/4/2023 ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 28/02/2023, Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 13/4/2023 và Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn

Cụ thể, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn và phù hợp năng lực thực thi của các cấp cơ sở; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chú trọng xây dựng Kế hoạch cụ thể với nội dung chi tiết để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các Bộ, cơ quan, địa phương; chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, sai sót để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ; tích cực để hoàn thiện thể chế và nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn.

Triển khai thực hiện tốt, hiệu quả công tác đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương với các Tổ công tác, cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương trong quản lý, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều chỉnh phân công địa bàn theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia

Quyết định cũng điều chỉnh phân công địa bàn theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh: Hà Giang, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hải Phòng, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Hòa Bình.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh: Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-25-4-102230426120355446.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27158 sec| 750.063 kb