Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/4

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/4
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/4.

Kết luận của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 156/TB-VPCP ngày 27/4/2023 kết luận của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Thông báo nêu: Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp; đại dịch COVID-19 gây hậu quả nghiêm trọng; biến đổi khí hậu, sự cố, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều khó khăn do tác động từ bên ngoài đã ảnh hưởng tiêu cực gây thiệt hại lớn về người, tài sản; kinh tế- trong nước gặp nhiều khó khăn; phát sinh nhiều thách thức đối với nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Theo thống kê từ ngày 1/1/2022 đến ngày 28/2/2023, thiên tai, sự cố đã xảy ra 7.942 vụ, làm chết 1.339 người; mất tích 200 người, bị thương 513 người; chìm, cháy, hỏng 840 phương tiện; cháy 1.428 nhà xưởng; 761 ha rừng và thảm thực vật; sập, hư hỏng 7.638 nhà, hư hại 190.857 ha lúa và hoa màu, chết 91.205 gia súc gia cầm; thiệt hại do thiên tai khoảng 5.065 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2021.

Về công tác phòng thủ dân sự, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, cơ quan phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp từ Trung ương tới địa phương đã theo dõi sát tình hình, tập trung chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm, triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh kịp thời.

Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quân đội, công an, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên trách, kiêm nhiệm đã phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 22.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử lý hiệu quả 5.378 vụ, cứu được 5.385 người và 342 phương tiện; hướng dẫn hơn 480.000 lượt tàu thuyền với gần 2,3 triệu lượt người di chuyển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, tổ chức di dời trên 32.000 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, không để người dân bị thiếu đói, khát, bùng phát dịch bệnh, đồng thời nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định sau thiên tai, dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các địa phương, chủ động của nhân dân, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Dự báo, tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường; nhiều loại dịch bệnh, trong đó có những dịch bệnh mới xuất hiện như đậu mùa khỉ và dịch bệnh COVID-19 còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, chuyển hóa nhanh sang các dạng khác nhau, nhiều thách thức đang đặt ra cho công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân

Về quan điểm chỉ đạo, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia thống nhất quán triệt, triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác phòng thủ dân sự, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 1/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị đảm bảo thực chất, hiệu quả.

Phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể và nhân dân trong phòng thủ dân sự, trong đó hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân làm gốc; lực lượng nòng cốt là: Dân quân tự vệ, dân phòng, công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của quân đội nhân dân, công an nhân dân và các bộ, ngành, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia; phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra xung đột, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng thủ dân sự trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chiến lược Phòng thủ dân sự phải gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, vùng, miền, ngành, địa phương; công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng, có thể sử dụng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, khu vực; đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống.

Xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả

Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia đưa ra các giải pháp trọng tâm như tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Phòng thủ dân sự; xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự; xây dựng Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, trong đó lấy phòng ngừa là chính, xác định nhiệm vụ phòng thủ dân sự không chỉ của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp; nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động phòng thủ dân sự, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các cấp; xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả; đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phòng thủ dân sự năm 2023 sát với thực tiễn. Phát huy tốt vai trò, chức năng thường trực phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn của cơ quan các cấp.

Tăng cường đầu tư, trang bị cho các lực lượng ở cơ sở là nòng cốt trong phòng thủ dân sự

Cùng với đó là rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế chính sách để đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả, đúng quy định nguồn lực tham gia phòng thủ dân sự, thu hút nguồn lực xã hội hóa về phòng thủ dân sự; tăng cường đầu tư, trang bị, nhất là đối với các lực lượng ở cơ sở là nòng cốt trong phòng thủ dân sự (như: Lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng; công an xã, phường, thị trấn,…).

Chủ động, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn, nhất là ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn trên biển với các nước trong khu vực và trên thế giới; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của các nước, bạn bè quốc tế, nhất là các nước lớn có tiềm lực phục vụ công tác phòng thủ dân sự".

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 154/TB-VPCP ngày 26/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Năm 2022, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, công tác phòng, chống ma túy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy còn ở mức cao; cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện xuống cấp, quá tải; công tác xác định tình trạng nghiện ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu; một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác phòng, chống ma tuý; kinh phí bố trí cho công tác này còn hạn chế…

Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm các cấp

Năm 2023, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống ma túy, đề nghị các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, bám sát cơ sở để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung triển khai quyết liệt một số nội dung.

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống ma túy ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa bàn khó khăn, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma tuý. 

Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm các cấp, kịp thời tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền các giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống ma tuý phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, đơn vị.

Giảm số xã, phường, thị trấn có ma túy và trọng điểm về ma túy

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng liên quan đến ma túy, đẩy mạnh sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý; thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; có giải pháp giữ vững số xã, phường, thị trấn không có ma túy; giảm số xã, phường, thị trấn có ma túy và trọng điểm về ma túy.

Chủ động làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình tội phạm về ma túy. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo đồng bộ, liên hoàn trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa; bắt giữ cả đường dây, đối tượng cầm đầu.

Tăng cường kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về trật tự; kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy. Nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy từ Trung ương đến địa phương. Định kỳ tổ chức giao ban các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma tuý và các cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tôn vinh các điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy trong Tháng hành động phòng, chống ma tuý.

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án tổng thể nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy", bảo đảm không trùng lặp và tận dụng nguồn lực của các dự án thuộc Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 và các dự án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá nhu cầu, sự phù hợp với quy hoạch, bảo đảm tính khả thi thực hiện dự án khi có nguồn vốn và lập danh sách các cơ sở cai nghiện cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới; ưu tiên đối với các địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma túy công lập và các địa phương có số lượng người nghiện ma túy nhiều, cơ sở cai nghiện ma túy xuống cấp, quá tải.

Rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ trong việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia trước ngày 15/5/2023.

Xác định các loại ma tuý, tiền chất mới được sử dụng hợp pháp trong lĩnh vực y tế cần quản lý

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết Luật Phòng, chống HIV/AIDS theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023 bảo đảm tiến độ, đồng bộ với Luật Phòng chống ma túy năm 2021.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định số 109/2021/NĐ-CP quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn. Chỉ đạo các sở y tế có phương án bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực hệ thống cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy.

Phối hợp với Bộ Công an xác định các loại ma tuý, tiền chất mới được sử dụng hợp pháp trong lĩnh vực y tế cần quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý để phòng ngừa việc lợi dụng sản xuất, buôn bán ma tuý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương chủ động rà soát, điều chuyển và bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác được giao quản lý để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án.

Trên cơ sở kết quả đánh giá, đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương, tổng hợp, cấp có thẩm quyền hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án cai nghiện theo quy định của luật đầu tư công khi đủ thủ tục đầu tư và có điều kiện về nguồn vốn.

Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021. Nghiên cứu cân đối ngân sách để hỗ trợ địa phương thực hiện công tác phòng, chống ma tuý.

Công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, đặc biệt là trạm y tế cấp xã

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy, gắn trách nhiệm và phân công cụ thể các ngành, tạo cơ chế vận hành, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát. Chủ động trao đổi kinh nghiệm, phối kết hợp giữa các địa phương trong công tác phòng, chống ma tuý.

Khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, nhân lực hệ thống cơ sở y tế, công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, đặc biệt là trạm y tế cấp xã.

Tập trung chỉ đạo công tác thống kê, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn; bố trí nguồn lực, ngân sách theo quy định của pháp luật để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này. Ưu tiên bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy công lập đảm bảo điều kiện theo quy định và đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Đối với 3 địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma tuý (Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang), trước mắt tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để cải tạo, nâng cấp thành cơ sở cai nghiện ma tuý; đồng thời sớm có kế hoạch xây dựng cơ sở cai nghiện ma tuý đáp ứng yêu cầu, quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 để phục vụ công tác cai nghiện ma tuý của địa phương.

Các bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Quốc gia (ban hành kèm theo công văn số 2891/VPCP-KGVX ngày 26/4/2023) và theo chức năng quản lý Nhà nước được phân công.

Sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương trực thuộc UBND tỉnh Hải Dương.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Trường Đại học Hải Dương, Trường Cao đẳng Hải Dương và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc sáp nhập theo quy định của pháp luật./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-27-4-102230428090315859.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25022 sec| 706.078 kb