Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/2

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/2
Thông cáo báo chí của VPCP về Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/2.

Thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong trường hợp:

+ Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp. Bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này;

+ Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật;

+ Việc xử lý dữ liệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, quốc gia, trật tự an toàn , thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật;

+ Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật;

+ Phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Thông qua nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc  hội, nội dung dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ , xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Phê chuẩn 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký các quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026.

Cụ thể, tại Quyết định 58/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Dương Mah Tiệp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Tại Quyết định 59/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Hữu Quế, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai.

Kỷ luật 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương và ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, tại Quyết định 60/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2021-2026 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 845-QĐ/UBKTTW ngày 9/12/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật.

Tại Quyết định số 61/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2021-2026, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 846-QĐ/UBKTTW ngày 9/12/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật.

Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 8/2/2023 ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, hình thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong đó, về nguyên tắc, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong quá trình hoạt động; đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, ký kết trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo đúng nội dung, hiệu quả; bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Chỉ sử dụng thông tin được cung cấp phục vụ công tác nghiệp vụ và công tác tố tụng khi đủ điều kiện.

Các hình thức phối hợp có thể được thực hiện như sau: Công văn, thư điện tử, , fax; tổ chức họp trao đổi, lấy ý kiến; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành. Hình thức phối hợp được lựa chọn phù hợp với nội dung, điều kiện phối hợp cụ thể.

Nội dung phối hợp trong công tác phòng ngừa tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, gồm: Trao đổi và cung cấp thông tin về phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố; tuyên truyền về phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố; kiểm tra, giám sát các tổ chức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Nội dung phối hợp trong công tác đấu tranh chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, gồm: Trao đổi và cung cấp thông tin nghi ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố; thành lập "đường dây nóng" để tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp về tài trợ khủng bố.

Rà soát chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở trong lực lượng vũ trang

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 21/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định không áp dụng đối với cán bộ, viên chức chuyên môn y tế thuộc lực lượng vũ trang. Do đó, không đặt vấn đề mở rộng đối tượng áp dụng trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.

Bộ Y tế tiếp thu ý kiến các cơ quan dự họp, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, ký tắt theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nội vụ khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Tài chính, Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các quy định hiện hành về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở trong lực lượng vũ trang; trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất về việc điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở trong lực lượng vũ trang bảo đảm theo đúng Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị và quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn và khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2023.

Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 8/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa, Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình, thuộc thành phố Tam Điệp; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà, xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan.

Ranh giới: Phía Bắc giáp huyện Gia Viễn; phía Nam giáp thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh; phía Tây giáp sông Bến Đang, quốc lộ 12B và phần còn lại của huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp; phía Đông giáp sông Đáy và tỉnh Nam Định.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242 ha.

Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn tỉnh, hướng tới phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.

Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị để đáp ứng các yêu cầu mới thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế-xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương và các yêu cầu phát triển ở giai đoạn tiếp theo.

Đô thị Ninh Bình có tính chất là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An; trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình; trung tâm văn hóa-lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.

Dự báo dân số đô thị Ninh Bình đến năm 2040 khoảng 540.000-560.000 người (trong đó: Dân số thường trú 430.000-440.000 người, dân số quy đổi khoảng 110.000-120.000 người).

Mở rộng đô thị gắn với bảo tồn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung điều chỉnh phạm vi quy mô và thời hạn lập quy hoạch; tính toán quy mô diện tích, dân số, đất đai phù hợp với giai đoạn lập quy hoạch đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị loại I, mở rộng đô thị gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.

Rà soát tình hình thực hiện, kế thừa các định hướng chiến lược, đề xuất điều chỉnh các tồn tại bất cập của Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An được phê duyệt năm 2016; các quy hoạch ngành của vùng và tỉnh; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư. Xác định các yêu cầu quản lý phát triển đô thị, bảo vệ di sản trong giai đoạn mới để đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục; nghiên cứu các đề xuất dự án mới để lập quy hoạch chung theo định hướng tổng thể, chiến lược, có tầm nhìn phát triển dài hạn, bền vững.

Điều chỉnh định hướng quy hoạch Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị vùng lõi di sản đồng thời thực hiện song song các mục tiêu phát triển du lịch và ổn định an sinh xã hội khu vực; khai thác phát triển khu vực vùng đệm, khu vực nông thôn xung quanh vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An để phát triển dịch vụ du lịch, công viên chuyên đề, nông nghiệp công nghệ cao...

Công nhận xã An toàn khu thuộc tỉnh Cao Bằng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 67/QĐ-TTg ngày 8/2/2023 công nhận xã An toàn khu thuộc tỉnh Cao Bằng.

Cụ thể, công nhận 9 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 huyện là các xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Cao Bằng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Xã Minh Tâm và xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình); xã Vân Trình (huyện Thạch An); xã Hồng Việt và xã Trương Lương (huyện Hòa An); xã Trường Hà, xã Ngọc Đào và xã Lũng Nặm (huyện Hà Quảng); thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa).

Các xã An toàn khu nêu trên được thực hiện chính sách ưu đãi đối với xã An toàn khu theo các quy định hiện hành.

Chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) thuộc quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 8/2/2023 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) thuộc quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An.

Công ty TNHH VSIP Nghệ An là nhà đầu tư dự án trên.

Quy mô sử dụng đất của dự án là 500 ha, không bao gồm phần diện tích tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua khu công nghiệp Thọ Lộc và tuyến đường N2 của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 8/2/2023.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An yêu cầu nhà đầu tư rà soát, xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án và quy định cụ thể tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về địa điểm thực hiện dự án, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với nhà đầu tư xác định vị trí, ranh giới của dự án trong phạm vi quy hoạch Khu công nghiệp Thọ Lộc được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định cụ thể tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý Nhà nước về khu công nghiệp theo quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

UBND tỉnh Nghệ An bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo; các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành; cập nhật vị trí và quy mô diện tích của dự án trong Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021-2025 và các quy hoạch xây dựng có liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng.

Đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất của dự án nằm trong chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022.

Kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; bảo đảm điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

Giám sát nhà đầu tư thực hiện theo đúng các quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định; đảm bảo vị trí, quy mô diện tích sử dụng đất của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan, đồng thời có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai.

UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư tuân thủ quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng phương án hoàn trả kênh mương; đảm bảo việc thực hiện dự án không ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và khả năng canh tác của người dân trong khu vực; tuân thủ quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Trường hợp khu vực thực hiện dự án có tài sản công, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước.

Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 14a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai).

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và các cơ quan có liên quan giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định; đảm bảo vị trí và quy mô diện tích sử dụng đất của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-8-2-102230209092145886.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.48630 sec| 707.141 kb