Sáng 9/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm, các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 11 và từ nay đến cuối năm.
Chuẩn bị cho các ngày lễ lớn của đất nước
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 điểm nổi lên trong bối cảnh tình hình quốc tế tháng 10 và 10 tháng.
Theo đó, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi; giá vàng, xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải quốc tế biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, chưa vững chắc; thiên tai, biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế, cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những nước đang phát triển.
Cũng trong tháng 10, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai 6 nhiệm vụ lớn: Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII; ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai, nhất là bão số 3; chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV với số lượng kỷ lục hơn 80 tài liệu; tập trung xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng kéo dài (cơ bản xử lý xong 12 dự án thua lỗ, yếu kém và giải quyết các vướng mắc với 2 dự án bệnh viện, một số dự án điện…).
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát tình hình thực hiện các mục tiêu của năm 2024, 5 năm và thực hiện nhiệm vụ Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm nay tốt hơn năm ngoái, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; dự báo, nhận định về tình hình thời gian tới, trong đó có việc dự báo tác động từ kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ; đề xuất những những cơ chế, chính sách, giải pháp thời gian tới.
Yêu cầu luôn chủ động, tích cực, phản ứng chính sách kịp thời, có các kịch bản điều hành với mọi tình huống, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tất cả các mục tiêu của năm 2024.
Đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP, nếu quý IV đạt khoảng 7,5% thì cả năm sẽ đạt hơn 7%, gần gấp đôi so với mức trung bình của ASEAN và thế giới; những cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng GDP là chỉ tiêu rất quan trọng, giúp tăng năng suất lao động.
Thủ tướng cũng đề nghị rà soát các công việc phục vụ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có việc chuẩn bị tốt hồ sơ trình chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; công tác tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước sắp tới, đặc biệt là kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vào cuối năm 2024 và những ngày lễ lớn trong năm 2025.
Môi trường kinh doanh được cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, với nhiều điểm sáng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.
Theo Bộ trưởng, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều phạm vi cho phép, nợ nước ngoài giảm nhanh.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng tăng 3,78% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã điều chỉnh giá điện, học phí. Tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến thị trường thế giới. Thu NSNN 10 tháng ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 10 tháng tăng lần lượt 15,8%, 14,9% và 16,8% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 23,3 tỷ USD. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch, doanh nghiệp tiếp tục khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; 10 tháng tăng 8,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6%.
Xuyên suốt thời gian qua, Chính phủ không ngừng quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
"Việt Nam được đánh giá có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là từ bên ngoài; sức cầu trong nước thấp; nhiều dự án bị đình trệ, vướng mắc khiến nguồn lực của nền kinh tế bị tồn đọng.
"Nhiệm vụ những tháng cuối năm là rất thách thức để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, cần có giải pháp mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả để giải quyết các vấn đề tồn đọng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt 7% và trên 7%", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.