Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Về cơ bản, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội đã phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và 7 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hoặc còn những vướng mắc, bất cập, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện. Có văn bản còn nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản luật gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Theo của các cơ quan của Quốc hội, vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Cụ thể, trong số 325 văn bản được giám sát, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; trong đó văn bản chậm ít nhất là 14 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22 đến 25 tháng. Ngoài ra, có 83 điều, khoản thuộc 24 luật, 1 pháp lệnh, 5 nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan còn chưa được thực hiện thường xuyên, chưa chủ động, kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan ban hành văn bản khắc phục những thiếu sót, sai phạm trong việc ban hành văn bản và báo cáo kết quả khắc phục đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Tình trạng chậm ban hành văn bản tuy đã có bước khắc phục nhưng vẫn còn tồn tại. Vẫn còn nợ đọng văn bản, văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đã được kết luận, kiến nghị hướng xử lý cụ thể trong kỳ giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục…

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường kiểm soát nội dung giao quy định chi tiết trong các dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh được giao chủ trì thẩm tra; trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cần xác định rõ phạm vi, nội dung giao quy định chi tiết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Các ý kiến cơ bản đồng tình với báo cáo tóm tắt tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày; đồng thời phát biểu, bổ sung một số nội dung về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, phục vụ hoàn thiện báo cáo chính thức.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc tiến hành giám sát một số cơ quan vẫn còn hạn chế. Do vậy trên cơ sở kết quả giám sát lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Phát huy vai trò của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội trong việc giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cần xác định rõ nội dung phạm vi được giao quy định chi tiết theo đúng quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật; xem xét đánh giá số lượng và chất lượng của dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo hồ sơ, tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết để hạn chế việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, chủ động giám sát, đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng thực hiện đúng tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Kết hợp hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật với giám sát khác như giám sát chuyên đề, tổ chức giải trình, xem xét đơn thư, khiếu nại tố cáo và công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đi sâu phân tích, đánh giá cụ thể hơn về nội dung văn bản, đặc biệt là tính khả thi, cũng như tác động về kinh tế- việc chậm ban hành các văn bản hoặc ban hành các văn bản không hợp hiến, không đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sau phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan có liên quan, trao đổi ý kiến với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan có liên quan về các vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh, làm rõ để xây dựng báo cáo đồng bộ, thống nhất, đầy đủ thông tin của các cơ quan, gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan thực hiện. Đối với các lĩnh vực phát hiện có sai sót, mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi, các cơ quan phát hiện cần trực tiếp làm việc với các cơ quan để xử lý, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/tiep-tuc-lam-tot-hon-nua-cong-tac-giam-sat-van-ban-quy-pham-phap-luat-20240422195918161.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25950 sec| 659.125 kb