Tại chương IV Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã quy định về cộng tác viên thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tại dự thảo, thay vì quy định về cộng tác viên thanh tra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dành 1 chương (chương IV) đề xuất quy định về người được trưng tập tham gia Đoàn thành tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (Đoàn thanh tra).
Tiêu chuẩn người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra
Theo dự thảo, người được trưng tập tham gia Đoàn thành tra cần đáp ứng những tiêu chuẩn sau: 1- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; 2- Am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của cơ quan trưng tập; 3- Có khả năng phân tích, tổng hợp và viết báo cáo; 4- Có ít nhất 02 năm công tác trong lĩnh vực được trưng tập.
Thẩm quyền trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra
Dự thảo nêu rõ, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra Sở có quyền trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra.
Trước khi trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra Sở có văn bản hoặc trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý công chức, viên chức được trưng tập.
Sau khi thống nhất với cơ quan quản lý công chức, viên chức được trưng tập. Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra Sở có văn bản trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra. Nội dung văn bản phải ghi rõ căn cứ, thời gian trưng tập, nhiệm vụ và chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra và trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí cho chuyến đi công tác của mỗi cơ quan, đơn vị.
Kết thúc thời gian trưng tập, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra Sở có văn bản nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ của người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra gửi Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý công chức, viên chức được trưng tập.
Nhiệm vụ, chế độ của ngưòi được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra
Theo dự thảo Người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất, trong thời gian Chính phủ chưa quy định chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra theo Luật Thanh tra ngày 14/11/2022, chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra thực hiện theo quy định này: Cơ quan trực tiếp quản lý trả lương, phụ cấp cho người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra (nếu có); tiền chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác và các chi phí khác của người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra thực hiện theo văn bản trưng tập; cơ quan trưng tập bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác cho người được trưng tập như thành viên Đoàn thanh tra.
Kể từ thời điểm Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra theo Luật Thanh tra ngày 14/11/2022 thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo nêu rõ, cơ quan trưng tập có thể sử dụng kinh phí từ các chương trình, dự án và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để chi trả cho người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra.
Theo Báo Chính phủ