Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên...
Các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, thống nhất, kể cả các dự thảo Luật khác đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Báo cáo với Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy tác dụng cộng hưởng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Các đại biểu cũng tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ số. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với các loại hình dịch vụ mới theo hướng mở, mang tính nguyên tắc.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc siết chặt quản lý là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng, các dịch vụ mới được sử dụng phổ biến, nhưng chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành, cần phải có các chế tài quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ một cách an toàn.
Mục tiêu quản lý là khuyến khích dịch vụ mới phát triển với mức độ quản lý ở mức độ phù hợp, để vẫn tạo ra môi trường thuận lợi cho các dịch vụ này phát triển, xem xét đánh giá kỹ tác động của chính sách. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ mức độ quản lý nào là phù hợp, đưa ra các quy định hợp lý như: Quản lý thế nào khi các dịch vụ này có tính xuyên biên giới, với hình thức nào để không ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài do phải thực hiện các cam kết, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Đại biểu cho rằng, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông (sửa đổi) để bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác, gây khó hiểu, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc áp dụng.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, tại đề nghị xây dựng dự án Luật, có 4 nhóm chính sách gồm: Quản lý thị trường bán buôn; hoàn thiện quy định về cấp phép; quản lý dịch vụ vệ tinh và quản lý trung tâm dữ liệu, trong dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này, ngoài 4 nhóm chính sách đã trình nêu trên còn có 3 nhóm chính sách khác tuy nhỏ nhưng mới liên quan đến: dịch vụ điện toán đám mây; dịch vụ internet OTT và quản lý vấn đề sim. Đại biểu đề nghị cơ quan trình cần báo cáo rõ hơn và bổ sung đánh giá tác động của ba nhóm chính sách mới này.
Cho ý kiến về Quỹ viễn thông công ích, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần giảm nhẹ các loại phí cho doanh nghiệp, người dân, tránh chồng chéo giữa các loại thuế phí, trùng lắp giữa mục đích chi của Quỹ với mục đích chi của ngân sách nhà nước. Nếu đã chi bằng ngân sách thì phải thông qua dự toán, phải có điều kiện kiểm soát. Nhiệm vụ phát triển viễn thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là cần thiết, nhưng cần đưa vào chương trình đầu tư, quy hoạch cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực hiện để tránh hình thành cơ chế xin-cho.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định liên quan đến Quỹ này, đưa ra những quy định chặt chẽ nếu duy trì hoạt động của Quỹ này, cũng như hạn mức đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của Quỹ, tránh gây sức ép lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, Điều 33 của dự thảo Luật quy định Quỹ viễn thông công ích có trách nhiệm thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Như vậy, đây là nhiệm vụ của Nhà nước, theo quy định thì ngân sách nhà nước phải bảo đảm. Về nguồn đóng góp, dự thảo luật quy định có 3 nguồn gồm: Đóng góp theo tỉ lệ trên doanh thu dịch vụ viễn thông; viện trợ, tài trợ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân; các nguồn khác.
Một số đại biểu cho biết, qua khảo sát thực tế, nguồn thu của Quỹ chủ yếu là theo tỉ lệ trên doanh thu dịch vụ viễn thông, khoản thu này mang tính chất thuế, không đảm bảo hoạt động của Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đại biểu cho rằng không nên quy định thành lập Quỹ này, mà nên chuyển vào ngân sách nhà nước để đảm bảo việc thực hiện được công khai, minh bạch.
Tham gia góp ý dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) cho biết, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý về dịch vụ này sẽ dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm. Do đó, cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được thống nhất, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/tinh-toan-ky-viec-lap-quy-vien-thong-cong-ich-10223061014544275.htm