Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tổng cục Thuế: Sẽ quy định ngưỡng nợ thuế với từng đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh

Tổng cục Thuế: Sẽ quy định ngưỡng nợ thuế với từng đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh
Trước những băn khoăn về quy định "tạm hoãn xuất cảnh" của một bộ phận doanh nghiệp và người nộp thuế, Tổng cục Thuế vừa có thông tin để làm rõ vấn đề này.

Tổng cục Thuế: Sẽ quy định ngưỡng nợ thuế với từng đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh

Căn cứ pháp lý triển khai thực hiện tạm hoãn xuất cảnh

Cơ quan thuế đang triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo đúng quy định pháp luật tại 4 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 ngày 22/11/2019; Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 ngày 16/6/2014; Khoản 12 Điều 3; Điều 66; Khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019; Khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế.

Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế (NNT) là doanh nghiệp (DN) thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tình hình triển khai thực hiện tạm hoãn xuất cảnh

Về cơ bản, các quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đã được quy định tại Luật Quản lý thuế. Từ cuối năm 2023 ngành Thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của NNT bỏ địa chỉ đã đăng ký trên cả nước là khá lớn (15.602 tỷ đồng).

Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi "Thông báo tạm hoãn xuất cảnh" đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi NNT để NNT được biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều kênh thông tin để thông báo, nhắc nhở, cảnh báo NNT về nghĩa vụ nộp thuế, trong đó có thông báo qua ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile và cả nhắn tin tới NNT, do đó NNT nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế.

Trong quá trình áp dụng triển khai các biện pháp quản lý nợ thuế trên cả nước, cơ quan thuế nhận được nhiều phản ánh từ NNT về việc bất ngờ nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh..., cũng như những phản ứng đối phó của NNT như thay đổi người đại diện pháp luật khi có thông báo tạm hoãn xuất cảnh. Trước tình hình trên, cơ quan thuế chủ động nắm bắt thông tin phản ánh, rà soát đảm bảo NNT nhận được thông tin nợ thuế, thông tin về thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân khi biết được thông tin về các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế của cơ quan thuế, nhất là các quy định về tạm hoãn xuất cảnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã tự giác đi nộp những khoản thuế nợ từ nhiều năm trước đó. Nhiều DN đã tập trung thu xếp nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế nhằm được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh. 

Từ cuối năm 2023 đến tháng 9 năm 2024, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh (đó là chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do NNT chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).

Với 1.844 tỷ đồng đã cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nợ thuế mà ngành Thuế triển khai (số thu được lớn hơn tổng số thu của 2 địa phương có số thu thấp). Bên cạnh đó có thể khẳng định sự tham gia hết sức tích cực của các bộ, ngành và cơ quan có liên quan như Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công An); sự quan tâm chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố; và đặc biệt là sự vào cuộc hết sức khẩn trương, hiệu quả của các cơ quan thông tấn báo chí đã phối hợp với ngành Thuế trong công tác truyền thông về công tác quản lý nợ thuế.

Để tăng cường công tác quản lý nợ thuế, ngày 23/9/2024, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4216/TCT-QLN. Theo đó, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai 11 nhóm giải pháp để thu hồi nợ thuế, đồng thời, đảm bảo dữ liệu tạm hoãn xuất cảnh được cập nhật trên hệ thống để thuận lợi cho NNT tra cứu thông tin trên website của ngành Thuế và trên các ứng dụng eTax, eTax Mobile.

Bên cạnh đó, để giúp NNT không nợ thuế quá hạn, bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đang tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và giới thiệu các ứng dụng để NNT biết, theo dõi, tra cứu nghĩa vụ thuế (trong đó có số tiền thuế nợ); khuyến khích NNT nộp thuế bằng phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua ứng dụng eTaxMobile.

Một số phản ánh từ NNT khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh

Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác quản lý nợ thuế, trong quá trình triển khai, ngành Thuế cũng đã tiếp nhận được những ý kiến của DN và NNT cho rằng đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Điển hình như:

Thứ nhất, khi tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, cơ quan thuế nhận được ý kiến trái chiều cho rằng người đại diện pháp luật có khi chỉ là người lao động làm thuê cho DN, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của DN.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đại điện pháp luật của DN là cá nhân đại diện cho DN thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của DN, đại điện cho DN thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật hay người chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần... là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu.

Thứ hai, theo quy định hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.

Tại tiết a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 126 quy định "Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh..." là "Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp NNT". Do đó, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Thứ ba, DN và NNT cho rằng các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho DN và NNT gặp khó khăn tài chính nhất thời. Đây chính là băn khoăn của không ít DN và NNT và mong muốn được Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Theo quy định, có một số giải pháp đảm bảo thu thuế nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân và DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: nộp dần tiền thuế nợ, không tính tiền chậm nộp... Đặc biệt nếu NNT có khó khăn, cũng có những chính sách như gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp…

Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh (khoản 1 Điều 66, khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế và khoản 1 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) và các quy định pháp luật liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ NNT khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tăng cường công tác quản lý nợ thuế

Để thuận lợi cho việc triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tiền thuế nợ, vừa tạo điều kiện cho DN và NNT phát triển sản xuất kinh doanh ổn định cũng như các hoạt động đi lại giao thương được thuận lợi.

Trong thời gian tiếp theo, một mặt cơ quan thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc công khai nợ thuế, nhắc nhở, cảnh báo DN và NNT đến hạn phải nộp, mặt khác, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các kênh hỗ trợ giúp DN và NNT có đầy đủ thông tin về nghĩa vụ thuế phải nộp và tạo điều kiện nộp thuế điện tử dễ dàng, tạo thuận lợi cho NNT hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.69346 sec| 666.914 kb