Mục đích của việc tổng kết thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; nhận diện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, khoảng trống (nếu có) nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới; phát hiện, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn.
Kế hoạch yêu cầu việc tổng kết Luật Hòa giải ở cơ sở phải được tiến hành nghiêm túc, khách quan, thực chất, toàn diện từ trung ương đến cơ sở; đảm bảo đúng mục đích và tiến độ đề ra, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, bám sát các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2611/QĐ-BTP ngày 04/11/2013 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; bám sát Đề cương tổng kết, kèm theo số liệu chứng minh cụ thể; chú trọng phân tích tồn tại, hạn chế, vướng mắc của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có) và đề xuất giải pháp cụ thể, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tổng kết các văn bản, phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Việc tổng kết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, tại các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở trung ương có liên quan và địa phương. Mốc thời gian thông tin, số liệu tổng kết tính từ tháng 01/2014 đến hết tháng 6/2023. Nội dung tổng kết theo Đề cương Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các biểu mẫu thống kê kèm theo Kế hoạch này (Phụ lục I và II của Kế hoạch).
Đối với việc tổ chức kiểm tra kết quả triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì kiểm tra tại một số địa phương đại diện các vùng, miền trên cả nước. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì kiểm tra trên địa bàn.
Các hoạt động truyền thông về kết quả tổ chức thực hiện các văn bản bao gồm:
1- Xây dựng, đăng tải các tin bài, phóng sự; phát hành sản phẩm truyền thông về kết quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2- Tổ chức sưu tầm, cung cấp tài liệu, phóng sự, băng, đĩa, video clip, tư liệu, hình ảnh... về công tác hòa giải ở cơ sở trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Các thông tin, tư liệu sưu tầm bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn về hình ảnh và âm thanh để có thể sử dụng vào việc sản xuất các chương trình phát thanh - truyền hình (theo tiêu chuẩn HD). Chú trọng thông tin về những sáng kiến, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác này.
3- Xây dựng phóng sự tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Kế hoạch cũng giao Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trong Quý II-III/2023.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/tong-ket-10-nam-thi-hanh-luat-hoa-giai-o-co-so-102230413161003886.htm