Trong khuôn viên gia đình bình yên, rợp bóng cây xanh ở xóm Thượng 2, xã Nam Toàn (Nam Trực), Trung tá, Nhà báo Lê Xuân Thụ năm nay 97 tuổi, 75 năm tuổi Đảng. Đôi chân khá yếu, mọi việc đi lại đều nhờ cậy vào chiếc xe lăn nhưng ông vẫn nở nụ cười đôn hậu, ôn lại những kỷ niệm xưa. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Lê Xuân Thụ là Ủy viên Ban chỉ đạo cướp chính quyền của xã, đồng thời trực tiếp kiện toàn Ủy ban Hành chính lâm thời nơi đây.
Năm 1946, ông làm công tác tuyên truyền tại khu D thuộc phía nam thành phố Nam Định; đến tháng 2/1947 nhập ngũ làm trinh sát viên Tiểu đoàn 94, Trung đoàn 34 Hà Nam Ninh. Với nhiều thành tích tiêu biểu, ngày 1/5/1947, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Từ 1958 đến 1961, ông là Trưởng Ban trị sự Tạp chí Văn nghệ quân đội được giao làm Chủ nhiệm Tờ tin Quân khu Hữu Ngạn, nay là Quân khu 3, sau đó là phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Từ 1967 đến 1968, ông được cử đi chiến trường B, phụ trách Báo Quân giải phóng Trị-Thiên-Huế. Sau đó ông được biệt phái sang Báo Nhân Dân làm phóng viên và biên tập viên rồi lại về Báo Quân đội nhân dân, kinh qua nhiều vị trí từ phóng viên, biên tập viên, sau đó làm Thư ký Tòa soạn cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1981. Trên cương vị nào, ông Lê Xuân Thụ cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp tin yêu, quý mến.
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ông là những năm làm báo trong chiến trường, nhất là khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Trong 12 ngày đêm khói lửa (từ ngày 17/12 đến 29/12/1972), Nhà báo Hoàng Tùng, khi đó là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã giao cho ông liên tục có những bài bình luận mỗi khi máy bay Mỹ bị bắn rơi. Bằng sự tâm huyết với nghề, những bài bình luận sắc sảo của ông đã góp phần không nhỏ cổ vũ, động viên tinh thần anh dũng chiến đấu của quân và dân ta, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Trong câu chuyện của mình, ông cảm động khi nhắc lại thời điểm tháng 5/2022 khi ông vừa được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, gia đình ông vinh dự được đón đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm, động viên.
Những lời thăm hỏi, động viên ân tình của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tạo động lực để ông nỗ lực tiếp tục phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng sáng ngời của người đảng viên, vượt qua bệnh tật, sống khỏe, sống có ích, đồng thời động viên cháu con trong gia đình thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước của cơ quan, địa phương.
Rời Nam Toàn, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Chu Đình An, số nhà 17M, ô 19, phường Hạ Long (thành phố Nam Định). 83 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, mặc dù sức khỏe không tốt do ảnh hưởng của những vết thương cũ, của chất độc da cam, người cựu binh năm xưa vẫn tương đối minh mẫn.
Ông An sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em tại xã Nam Thắng (Nam Trực), cụ thân sinh ra ông An tham gia đánh Pháp tại các tỉnh miền núi trung du phía Bắc. Năm 1946, cụ bị giặc Pháp bắt, trong một lần chống càn ở quê nhà; sau đó chuyển cụ qua nhiều nhà tù khác nhau và tra tấn dã man. Dưới đòn roi tàn ác của giặc Pháp, cụ vẫn kiên quyết không khai nửa lời các cơ sở cách mạng. Năm 1948, cụ anh dũng hy sinh trong tù.
Phát huy truyền thống gia đình, năm 1961, ngoài 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông An tình nguyện nhập ngũ tại Đoàn Vinh Quang, đóng quân ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Sau 1 năm huấn luyện, ông cùng đơn vị vượt núi băng rừng sang cánh đồng Chum, kề vai sát cánh cùng bộ đội, nhân dân Lào đánh giặc, giải phóng tỉnh Nậm Thà.
Đây cũng chính là khoảng thời gian đặc biệt để lại trong lòng người lính trẻ những kỷ niệm khó phai mờ. “Đó là cảm giác lạ lẫm khi lần đầu tiên đến cánh đồng Chum, chút choáng ngợp khi đi giữa những cánh rừng bạt ngàn cây lá… Đó còn là ấn tượng về tình cảm thắm thiết của quân dân Việt Nam và quân dân Lào, của bà con nhân dân Lào đối với bộ đội; những lần vào sinh, ra tử ở các trận địa trên nước bạn”…
Năm 1962, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào, ông An cùng đơn vị trở về nước. Mùa đông năm 1963, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Đến năm 1964, ông tiếp tục được điều động vào chiến trường Tây Ninh. Trong thời gian 10 năm từ 1964-1974, ông An đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ trong các chiến dịch lớn như Mậu Thân 1968, đánh xuống Long An, Hóc Môn (Bình Dương)… Năm 1970, ông cùng đơn vị vượt biên giới sang giúp nước bạn Campuchia. Trong một trận chiến giáp lá cà với địch, ông bị mảnh bom bắn vào, với tỷ lệ thương tật 19%. Nhưng di chứng để lại ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe ông hơn cả là trong thời gian chiến đấu ở mặt trận Tây Ninh ông bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ.
Theo đó, mắt ông mờ dần, tai điếc, thần kinh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Sức khỏe không đảm bảo, năm 1974, ông được điều ra Bắc để chữa trị. Sau những đợt điều trị dài ngày, khi sức khỏe dần ổn định hơn, mặc dù được động viên để phục viên nhưng ông vẫn quay trở lại với chiến trường.
Ông An sau đó nhận nhiệm vụ tại Thành Đội Nam Hà, đảm nhận nhiệm vụ Đội trưởng đội quân cảnh. Chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi công tác tại quê hương, qua “mai mối” của một người chị, ông đã gặp được bà Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, vợ ông bây giờ. Tháng Giêng năm 1975, họ tổ chức đám cưới giản dị mà ấm cúng. Cưới được 2 tháng, ông lại tiếp tục những chuyến đi xa nhà đằng đẵng, dẫn quân vào Hoà Vang (Đà Nẵng) huấn luyện.
Ông làm việc ở Thành Đội Nam Hà cho đến năm 1977 thì chuyển sang làm thanh tra ở Ty Ngoại thương (nay là Sở Công Thương) tỉnh. Năm 1993 ông về hưu. Nghỉ hưu, ông tích cực tham gia vào nhiều hoạt động xã hội của địa phương. Ông sinh hoạt trong Hội Sinh vật cảnh của phường, là thành viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Ghi nhận những thành tích, cống hiến của ông An, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý./.
Theo báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/tron-long-voi-dang-102220902074247441.htm