Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên bên cạnh việc tập trung thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, thảo luận và đánh giá tình hình kinh tế xã hội, công tác giám sát, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng còn lại trong Chương trình công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Theo thông tin từ họp báo, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 20/10. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ); kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-27/10); đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 2-17/11). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 17/11.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác.
Cụ thể, các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sẽ thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp).
Các dự thảo nghị quyết được thông qua gồm: Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước gồm: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021 (gồm báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực; kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng).
Đồng thời, xem xét về các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch: Tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020; xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An; Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; nghe Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Do đây là kỳ họp cuối năm và là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên Quốc hội không tiến hành giám sát chuyên đề.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự, cụ thể là: Phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phê chuẩn việc miễn nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).
Về công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện nguyên tắc làm việc công khai của Quốc hội, tại kỳ họp này, các cơ quan thông tấn báo chí được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, tham gia đưa tin về chương trình nghị sự của Quốc hội.
Theo chương trình dự kiến, bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp, các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1); Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam giúp cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.
Theo baochinhphu.vn