
Ngày 20/3/2025, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 15-HD/UBKTTW về sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 về thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng,à đảng viên vi phạm. Theo đó, đảng viên sinh con thứ ba không bị xem xét xử lý kỷ luật. Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày 20/3.
Theo hướng dẫn mới của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lược bỏ điểm 8.1 và 8.2 mục III trong Hướng dẫn 05. Đây là các điểm quy định về việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm chính sách dân số, trong đó có sinh con thứ ba.
Hướng dẫn mới cũng bổ sung thêm điểm 8.3, trong đó nêu rõ: Không xem xét xử lý đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số năm 2003 "Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Với thay đổi này, từ 20/3, Đảng viên sinh con thứ ba không còn bị kỷ luật. Việc sinh con thứ ba cũng không còn là hành vi vi phạm để xem xét xử lý kỷ luật Đảng.
Đây là bước cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 13421 ngày 17/2, sau khi sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới.
Trước đó, tại phiên họp ngày 14/2, Bộ Chính trị đã xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc rà soát các quy định của Đảng liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số, và báo cáo của Ban cán sự Đảng bộ Y tế về 7 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương khóa XII.
Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05 ngày 22/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ ba trở lên.
Không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật cũng là chủ trương được Bộ Chính trị nhất trí.
Bộ Y tế đã trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp, trước mắt bãi bỏ xử lý vi phạm với quy định về số con.
Trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất có chính sách về duy trì mức sinh thay thế, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm liên tục.
Các nhóm chính sách cơ bản được xây dựng trong dự thảo Luật Dân số bao gồm: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe dân số; và lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, Bộ Y tế đề xuất mỗi cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đề xuất nhằm khắc phục tình trạng mức sinh xuống thấp và chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng.
Theo Bộ Y tế, mức sinh của Việt Nam nằm trong top 5 nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 năm 2022. Chỉ số này tiếp tục xuống thấp khi còn 1,96 con/phụ nữ năm 2023 và 1,91 năm 2024 - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.
Dự báo, mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.