Bên cạnh tục lì xì, tục xông đất hay tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ vào những ngày đầu tiên của Tết nguyên đán truyền thống. Thói quen xin chữ gắn liền với cho chữ. Không chỉ mang lại nhiều ý nghĩa văn hóa, xin chữ còn thể hiện một những bài học giáo dục sâu sắc đằng sau.
Người xưa có câu "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy". Thường vào ngày mùng 3, mùng 4 Tết là thời điểm thích hợp để giới trẻ đi xin chữ về treo.
1. Nguồn gốc tục lệ xin chữ
Từ đời xưa, khi muốn xin chữ , người ta chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy đồ (học vị Tú tài được vua ban, hoặc nho sĩ hay chữ trong vùng được kính trọng). Người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp.
Mỗi chữ viết ra bằng cả Trí - Thần - Lực của thầy đồ nên ngoài ý nghĩa, còn là tác phẩm nghệ thuật thư pháp. Gia chủ xin được chữ như xin được may mắn, phúc, lộc cho năm mới. Có lời đồn là ai không đi xin chữ, nhưng được thầy đồ gọi vào cho chữ mới thật là có "lộc chữ", cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, như ý.
Ngày nay khi văn hóa thư pháp đã trở nên phổ biến hơn, người xin chữ không cần phải đến nhà thầy đồ, chỉ cần đến phố ông đồ, chọn một trong số các ki ốt trong "phố ông đồ" để xin chữ. Bên cạnh các ông đồ già uyên thâm giàu kinh nghiệm, giờ đây còn có những ông đồ trẻ với những con chữ sáng tạo bay bổng, hiện đại.
Không chỉ cho được chữ Hán, các ông đồ có thể cho chữ quốc ngữ (chữ viết theo lối thư pháp)…
Cùng với việc cho chữ, ông đồ cũng giảng giải ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
2. Ý nghĩa của tục xin chữ
Tục xin chữ mang một ý nghĩa quan trọng chính là sự trọng chữ nghĩa. Xin chữ đầu năm chính là mong muốn của cả người xin và người cho cho một năm mới toàn điều hạnh phúc, may mắn, bình an. Lộc chữ sẽ khiến cả năm đạt được nhiều điều tốt lành, như ý và những thành công trong cuộc sống.
Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Chữ Nho có thể viết theo nhiều cách, nên người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt.
Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân.
3. Ý nghĩa các chữ thư pháp may mắn nên xin ngày Tết
Xin chữ "Lộc" biểu trưng cho tài lộc
Những người xin chữ này muốn có một năm làm ăn phát tài, phát lộc. Mọi người tặng nhau chữ lộc như là lời chúc may mắn, thành đạt tới người nhận. Vì vậy chữ lộc được rất nhiều người lựa chọn xin vào đầu năm để treo trong nhà.
Xin chữ "Phúc" để cầu hạnh phúc
Chữ Phúc tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, sung sướng, thể hiện mong muốn có một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia chủ. Đã từ lâu chữ phúc đã là biểu tượng phổ biến được trang trí trong nhà của người dân Việt.
Xin chữ "Thọ" để chúc thọ ông bà
Chữ Thọ biểu tượng cho sự sống lâu trăm tuổi, người xin chữ này thường mong muốn có một cuộc sống ấm no, mạnh khỏe, tránh được tai ương. Chữ thọ thường được các bạn trẻ xin về để chúc thọ ông bà, cha mẹ với mong muốn gia đình mạnh khỏe, sung túc, và thể hiện lòng thành kính với bậc bề trên.
Xin chữ "Tâm" với hàm ý chỉ sự yên bình
Tâm mang một ý nghĩa Phật giáo sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Muốn con người tu dưỡng đạo đức để cho tâm được thanh tịnh, xóa hết dục vọng, ích kỷ, hận thù, để có một cuộc sống thanh thản, yên bình.
Xin chữ "Đức" để răn dạy bản thân
Chữ Đức là biểu trưng cho đạo đức của con người, nét đẹp của con người. Người xin chữ đức vốn để răn dạy chính bản thân mình cần phải sống thực với chính bản thân mình, làm đúng theo lương tâm mình để tâm hồn được thanh thản.
Chữ "Tài" chứng tỏ khả năng
Chữ Tài biểu trưng cho tài năng, là khả năng làm được một việc chất lượng nào đó, thể hiện mong muốn thành đạt trong cuộc sống của người xin chữ, chữ tài cũng là lời chúc thành đạt của những người muốn xin chữ này để đem tặng.
Chữ "An" tượng trưng cho bình an
Chữ An tượng trưng cho sự bình an, với mong muốn một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Chữ An là loại chữ được xin nhiều nhất để treo trong nhà. Từ xưa, không chỉ là được xin trong ngày Tết, mà chữ An đã là biểu tượng thường được thêu lên tranh để làm vật trang trí trong nhà của nhiều gia đình.
Chữ "Nhẫn" mang ý nghĩa khoan dung
Nhẫn là độ lượng, là sự khoan dung hay nói rộng ra, nhẫn là biểu tượng cho bản lĩnh con người. Nhiều người xin chữ Nhẫn về treo trong nhà với ngụ ý tự răn chính bản thân mình phải biết nhẫn nhịn để giữ hòa khí trong gia đình, làng xóm, để có một cuộc sống yên ấm.
Xin chữ "Hiếu" đầu năm dành tặng ông bà
Chữ Hiếu là loại chữ phổ biến được xin đầu năm, người xin chữ thường dùng để tặng ông bà, cha mẹ, để thể hiện sự biết ơn về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng khó nhọc của ông bà, cha mẹ, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng quan tâm, chăm sóc của con cháu.
Xin chữ "Duyên" đầu năm để cầu tình yêu
Chữ Duyên biểu tượng cho tình yêu, duyên phận,thể hiện cho sự may mắn trong tình yêu, dấu hiệu của hỷ sự. Các bạn trẻ nam, nữ thường xin chữ này với mong muốn tìm được nửa kia của mình.
Như các cụ thường nói: “Nét chữ nết người” nên xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.
Theo Đời sống và Pháp luật