Xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục vướng mắc, bất cập
Theo Tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, việc xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Bố cục của dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).
Báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự án Luật và các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò, mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW. Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá cao quá trình chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Các báo cáo đã làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc sau 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, cũng như các kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM trong thời gian tới.
Xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm với vai trò trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi và nhất trí với các nội dung trong dự thảo Luật. Nhiều ý kiến đánh giá hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, với tinh thần cầu thị cao, gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.
Đối với nội dung cụ thể của dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến về quy định về áp dụng Luật Thủ đô; các nội dung liên quan đến liên kết vùng Thủ đô; tổ chức chính quyền tại Thủ đô (mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thủ đô; số lượng đại biểu HĐND); các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô…
Tờ trình dự án Luật đã nêu rõ, trong thời gian tới dự kiến quyền hạn của HĐND TP. Hà Nội được tăng thêm, do đó, dự thảo Luật nêu rõ tỉ lệ đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách có thể tăng từ 20-25%. Các đại biểu cho rằng, có thể nghiên cứu tăng tỷ lệ này lên 35- 40%; đồng thời xem xét tăng cường về tổ chức, cơ cấu đại biểu cho HĐND ở quận, thị xã, thành phố thuộc Hà Nội để tương xứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được tăng thêm.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND Thành phố, một số ý kiến đề nghị cần có sự kiểm soát để tránh xảy ra tình trạng lạm dụng thẩm quyền nhất là liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư công.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao tinh thần thảo luận nghiêm túc, khẩn trương, hiệu quả của các đại biểu; ghi nhận tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật kỹ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.
Nhấn mạnh dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là luật hết sức đặc biệt và quan trọng, quy định những cơ chế đặc thù để đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, bảo vệ, phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, sau phiên họp, Ủy ban Pháp luật sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra; đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo và dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/uy-ban-phap-luat-cua-quoc-hoi-tham-tra-du-an-luat-thu-do-sua-doi-102231012155321963.htm