Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 16 dự án luật và thông qua 21 dự án, dự thảo.
Về tình hình thực hiện Chương trình năm 2024, theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội, các Nghị quyết điều chỉnh Chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2024, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 23 dự án, dự thảo. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 dự án, dự thảo. Do đó, năm 2024, Chính phủ còn phải phối hợp chỉnh lý, xây dựng mới, trình Quốc hội 20 dự án, dự thảo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của năm; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bộ, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh tổ chức các phiên họp Chính phủ thường kỳ, hàng tháng, Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án khi trình đều được Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến rồi mới trình Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về đề nghị của Chính phủ đối với chương trình năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ là ưu tiên đề xuất các dự án nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ cũng ưu tiên đề xuất đưa các dự án nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật;…
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần đảm bảo các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại phiên họp, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với 100% ý kiến biểu quyết tán thành. Theo đó, điều chỉnh tiến độ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, thông qua tại Kỳ họp Tám sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Bổ sung 3 dự án, dự thảo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy vào tháng 5/2024 theo quy trình một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với 2 dự thảo Nghị quyết. Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Về dự kiến các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, trong kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự kiến có 23 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, phần lớn các nội dung đã có sự đồng thuận, chỉ còn 7 dự án còn có ý kiến khác nhau: dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi); dự án Luật Điện lực (sửa đổi); dự án Luật Thi hành án dân sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám sát của Quốc hội và HĐND; dự án Pháp lệnh chi phí tố tụng cần tiếp tục xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét quyết định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội, Chính phủ để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo và dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội. Trong đó lưu ý báo cáo cần phải có nội dung về đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và thời gian qua, có thể nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay để thấy rõ ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình; xác định yêu cầu nhiệm vụ của việc tiếp tục thực hiện Chương trình trong thời gian tới, trong năm 2025 và đến cuối nhiệm kỳ.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-102240415202421734.htm