Nữ phiên dịch viên đó giờ đã 78 tuổi. Bà Ivonne Suárez Roche nhớ lại: “Sau cuộc gặp, chúng tôi bước xuống nhà sàn và đi qua vườn hoa của Bác Hồ. Nhận thấy một cô gái trẻ là tôi rất chú ý tới những bông hoa, Bác bảo thích bông nào thì cứ lấy, nhưng khi thấy tôi ngắt hoa một cách vụng về thì Bác nói một cách dịu dàng: ‘Hoa không phải ngắt như thế, nếu không sẽ hỏng hết nụ’. Rồi Người với lấy chiếc kéo, cắt bông hoa và tự tay trao nó cho tôi”.
Đó là một trong số nhiều kỷ niệm mà nhà nữ ngoại giao lão thành Cuba Ivonne Suárez Roche lưu giữ sau 5 năm sống, học tập và làm việc tại “đất nước hình chữ S”. Cuộc gặp ngày 22/1/1967 và bông hồng được trao đã trở thành “báu vật” – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – đi theo bà suốt cuộc đời.
Lần tìm trong cuốn album đã ố mầu thời gian nhưng được giữ gìn rất cẩn thận, người nữ sinh – phiên dịch trẻ tuổi khi đó, chỉ ra nơi bông hồng ngày nào đã được bà ép khô và tâm sự: “Nó vẫn đẹp lắm, đó là một vật mà tôi rất trân trọng bảo quản”.
Kể về hoàn cảnh trở thành phiên dịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Suárez Roche nói: “Khi đó tôi mới là sinh viên năm thứ 3, nhưng đã tham gia công tác biên phiên dịch cho Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam. Khi đoàn làm phim tư liệu do đạo diễn Santiago Álvarez được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lời tiếp, Đại sứ Cuba khi đó Julio García Oliveras đã yêu cầu tôi đi cùng để cuộc trò chuyện dễ dàng hơn.
Lúc mới gặp, Bác còn tưởng tôi là con gái của Đại sứ, nhưng khi biết tôi là phiên dịch, Bác cho phiên dịch người Việt ra về. Lúc đầu tôi rất run vì vốn tiếng Việt của tôi khi đó vẫn ít ỏi và nói nghiêm túc thì tôi chưa phải là một phiên dịch thực thụ. Nhưng rồi, sự cởi mở, gần gũi của Bác đã khích lệ tôi. Là một người giỏi nhiều ngoại ngữ, Người cũng dùng những cách biểu đạt dễ hiểu, những câu nói chậm rãi và tròn ý để tạo thuận lợi, và tôi đã may mắn hoàn thành nhiệm vụ mà không phải dùng tới ngôn ngữ thứ ba nào khác làm cầu nối. Vài năm sau này, tôi mới biết mình là người nước ngoài duy nhất từng làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (mà không có phiên dịch người Việt dịch cùng)”.
Cuộc gặp đã khiến bà Suárez Roche có nhiều điều ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà nhận thấy sự gần gũi, thân thiện một cách rất chân thành của Người. Bà nhận xét Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lịch lãm, tế nhị và có khiếu hài hước rất tinh tế, sâu sắc. Một điều ấn tượng nữa là tình cảm đặc biệt của Người với Cuba. Bà nhớ sau cuộc trao đổi tại phòng khách Phủ Chủ tịch, Bác Hồ có mời đoàn sang nhà sàn và nói với Đại sứ García Oliveras: “Tôi chưa từng mời vị khách nước ngoài nào vào ngôi nhà này cả, nhưng với các bạn thì khác vì các bạn là người Cuba”.
Khi Bác mất, bà Suárez Roche đang là tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Cuba tại Campuchia và được cử sang Việt Nam phiên dịch cho đoàn cấp cao của Cuba tới viếng Bác. Với bà Suárez Roche, đó là một kỷ niệm rất buồn và cảm động, Quảng trường Ba Đình chật kín người và rất nhiều người đã khóc. Bà tâm sự: “Dù biết rằng quy luật tự nhiên là bất biến và tất cả chúng ta rồi cũng sẽ ra đi, nhưng vẫn có một sự hụt hẫng không thể bù đắp được, vì chúng ta không chỉ mất đi một nhà lãnh đạo cách mạng tài ba và cuốn hút, mà còn là một nhân vật vĩ đại đã tạo ra lịch sử”.
Năm 1963, ở tuổi 21, Ivonne Suárez Roche trở thành người Cuba đầu tiên học tiếng Việt chính quy, theo một sự lựa chọn khá ngẫu nhiên và hoàn toàn tự nguyện. Bà kể lại: “Khi đó tôi vừa tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, nhưng quả thực tôi không thích ngành này và quay lại theo đuổi ngoại ngữ. Trước đó, tôi đã có bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, và có lẽ nhờ trí nhớ khá tốt nên tôi học ngoại ngữ tương đối thuận lợi. Khi đang học tiếng Séc ở Trường Ngoại ngữ Lincoln thì Đoàn Thanh niên thông báo đang tìm một học viên thạo tiếng Pháp để sang học tiếng Việt tại Việt Nam do khi đó không có giảng viên nào tại Việt Nam biết tiếng Tây Ban Nha nên phải sử dụng ngôn ngữ đó làm cầu nối. Họ hỏi tôi trực tiếp vì tôi đáp ứng được tiêu chí đó, và tôi không mất nhiều thời gian quyết định”.
Ban đầu, công việc học hành của cô nữ sinh nội trú Cuba được đặt tên tiếng Việt là Phương trôi qua khá êm ả, với những buổi lên lớp tại ngôi trường gần Chùa Láng, với con đường tới trường qua những ruộng lúa xanh rờn, những bài học và những buổi dã ngoại với các bạn cùng lớp đến từ nhiều nước khác nhau. Bà Suárez Roche nói: “Các bạn có một đất nước tuyệt đẹp, tôi không bao giờ quên được quang cảnh của Việt Nam khi đó. Người Việt Nam thì khéo tay và thân thiện. Còn thức ăn thì tuyệt vời, tôi thích tất cả các món ăn Việt Nam, đặc biệt là xôi gấc và nem”.
Nhưng rồi khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, lớp học ngôn ngữ của Suárez Roche phải sơ tán và di chuyển địa điểm liên tục. Đa phần các bạn học nước ngoài của bà cũng lần lượt về nước, nhưng bà vẫn bám trụ và chia sẻ những năm tháng gian khó đó với người dân Việt Nam.
Khi các trận ném bom trở nên ác liệt, việc sơ tán và di chuyển ngày càng khó khăn, đặc biệt là khi Ivonne Suárez bắt đầu làm phiên dịch bán thời gian tại Đại sứ quán Cuba. Cuối cùng Đại sứ quán Cuba quyết định rút bà về làm việc hẳn tại trụ sở.
Trở về nước năm 1968, bà Suárez Roche được các bạn học thời phổ thông chào đón như một người hùng “cứ như thể tôi đã tham gia chiến đấu vậy”. Bà bắt đầu làm việc trong ngành ngoại giao và trong nhiều năm bà là phiên dịch tiếng Việt duy nhất của Cuba.
Trong sự nghiệp ngoại giao, bà Suárez Roche đã làm việc tại Trung Quốc, Lào, Sri Lanka, Campuchia, Maldivas và Pakistan, trong đó từng giữ cương vị đại sứ tại 5 nước sau cùng. Dù không có dịp trở lại công tác nhiệm kỳ tại Việt Nam nhưng liên hệ của nhà ngoại giao kỳ cựu Cuba với đất nước quê hương Bác Hồ chưa bao giờ dứt. Bà nói: “Khi đi nhiệm kỳ tại bất cứ nơi đâu, tôi cũng giữ liên hệ chặt chẽ với những đồng nghiệp ngoại giao, không chỉ bởi vì tôi biết tiếng Việt mà bạn biết đấy, người Việt Nam và người Cuba rất dễ gần gũi và gắn bó nhau khi ở một nước thứ 3”.
Đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” từ khá lâu, gánh nặng thời gian đã để lại dấu ấn lên đại sứ Ivonne Suárez Roche và cả trí nhớ tuyệt vời ngày nào. Bà tâm sự: “Bạn trẻ à, giờ tôi hay nhầm lẫn và cũng quên khá nhiều chuyện cũ rồi. Cả tiếng Việt cũng không còn lưu loát nữa. Nhưng sẽ có những con người, những kỷ niệm mà cả đời bạn sẽ không bao giờ quên”.
Bà nói và mỉm cười, vuốt nhẹ lên bông hồng ép khô vẫn “tươi thắm” suốt hơn 5 thập kỷ qua.
Theo TTXVN