Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Việc sửa đổi luật xuất nhập cảnh của Việt Nam góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế

Việc sửa đổi luật xuất nhập cảnh của Việt Nam góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế
Trang tin chuyên về du lịch của Đức reisetopia.de vừa đăng bài viết nhận định việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch và phát triển kinh tế của đất nước.

Việc sửa đổi luật xuất nhập cảnh của Việt Nam góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, bài viết đánh giá Chính phủ Việt Nam sẽ nới lỏng các quy định về nhập cảnh, điều sẽ giúp việc đi lại được đơn giản hoá và thuận lợi hơn. Theo bài viết, đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với du khách nước ngoài muốn tới thăm Việt Nam. Cụ thể, Quốc hội Việt Nam đã "bật đèn xanh" cho việc gia hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng phê chuẩn việc kéo dài thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. Đối với du khách Đức, đây là sự cải thiện đáng kể so với quy định thời hạn 15 ngày hiện nay. Các quy định mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/8 tới, sẽ góp phần thu hút thêm du khách quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Cũng theo bài viết trên, Việt Nam hiện đang cấp thị thực điện tử cho công dân của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu với thời hạn 30 ngày và miễn thị thực cho công dân 25 quốc gia, thường trong khoảng thời gian từ 15 đến 30 ngày. Việc nhập cảnh nhiều lần thường chỉ có thể thực hiện được bằng cách xin các loại thị thực khác nhau. Tuy nhiên, những quy định này sẽ là lỗi thời từ giữa tháng 8 tới khi những quy định mới được áp dụng. Theo luật mới, Chính phủ Việt Nam có thẩm quyền lập danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử, cũng như danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh và xuất cảnh bằng loại thị thực này. Thay đổi trên sẽ tạo thuận lợi cho người có thị thực điện tử, được nhập cảnh Việt Nam nhiều lần trong một chuyến đi mà không phải xin thị thực mới mỗi lần nhập cảnh.

Trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang phục hồi nhanh chóng kể từ sau đại dịch COVID-19, trong đó nhiều nước đã đạt được mức trước đại dịch, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong sự phát triển này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước này đã tăng đột biến, với gần 4,6 triệu lượt khách trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng 12,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, song bất chấp mức tăng trưởng ấn tượng này, lượng du khách đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 vẫn chỉ bằng 63% lượng khách của năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Trong năm 2022, Việt Nam lỡ mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách nước ngoài khi chỉ ghi nhận con số 3,66 triệu lượt khách. Với những thay đổi mới trong chính sách thị thực, Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2023 đón 8 triệu lượt du khách nước ngoài. 

Vẫn theo bài viết trên trang reisetopia.de, Việt Nam kỳ vọng các quy định nhập cảnh được nới lỏng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư quốc tế chuyển địa điểm hoặc cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Bên cạnh đó, các quy định mới cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch để Việt Nam có thể lấy lại vị thế là một điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/viec-sua-doi-luat-xuat-nhap-canh-cua-viet-nam-gop-phan-thuc-day-du-lich-va-phat-trien-kinh-te-20230704121909294.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38252 sec| 635.109 kb