Gần 56 năm sau, việc "kỷ luật nghiêm minh" đã được áp dụng đối với hai cán bộ cấp cao của Đảng. Đó là ông Chu Ngọc Anh (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và ông Nguyễn Thanh Long (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Như TTXVN đã đưa tin, ngày 6/6/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Theo đánh giá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong cuộc họp ngày 4/6, các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Cụ thể, ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long có liên quan đến Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Việc khai trừ ra khỏi Đảng hai Ủy viên Trung ương phạm khuyết điểm "vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm", là theo đúng tinh thần của Hội nghị lần thứ tư (tháng 10/2021) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Kết luận Hội nghị lần thứ tư nêu rõ: "Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp".
Kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những tổ chức đảng, đảng viên sai phạm để xử lý, kỷ luật, kể cả những tổ chức lớn và cán bộ cấp cao trong Đảng, không những là việc làm bình thường mà là nhiệm vụ thường xuyên, hết sức cần thiết với mục đích làm trong sạch đội ngũ đảng viên, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước do Đảng lãnh đạo.
Cũng từng có ý kiến băn khoăn về việc các cán bộ cấp cao, trong đó có ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long, bị xử lý kỷ luật sẽ làm giảm uy tín của Đảng, tạo cớ cho thế lực thù địch lợi dụng, nói xấu Đảng ta. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có cơ sở. Ngược lại, uy tín của Đảng trong nhân dân càng được củng cố, quần chúng càng tin chắc rằng cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiếp tục với cách thức quyết liệt hơn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù thủ đoạn tinh vi như thế nào.
Tiếp theo phần xử lý kỷ luật đảng là việc xử lý kỷ luật hành chính đối với ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh.
Sáng 7/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3 khóa XV, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Theo kết quả bỏ phiếu kín, có 473/479 đại biểu đồng ý bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; 471/479 đại biểu đồng ý phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Quốc hội khẳng định, ông Nguyễn Thanh Long (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) đã vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm" (theo khoản 2, Điều 7, Hiến pháp 2013; khoản 2, Điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội 2014).
Còn đối với ông Chu Ngọc Anh, chiều 7/6, tại Kỳ họp thứ 6 khóa XVI, 100% đại biểu HĐND thành phố Hà Nội có mặt đã biểu quyết bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cũng tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND thành phố Hà Nội có mặt đã biểu quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Chu Ngọc Anh do vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND.
Cùng trong ngày 7/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã họp, thống nhất biểu quyết về đề nghị của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 và bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Xử lý kỷ luật Đảng cũng như xử lý kỷ luật về hành chính một cách đồng bộ và hết sức nghiêm khắc đối với các cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, trong đó có cán bộ cấp cao như ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long có tác dụng răn đe rất lớn, dập tắt những hy vọng mơ hồ về việc vi phạm khuyết điểm mà vẫn khéo léo "lọt lưới" hay vì từng có công lớn mà được bao che, giảm tội.
Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không được chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng, không "ngừng", không "nghỉ", không kể đó là ai,
Thực tế cho thấy, trong suốt 92 năm hình thành và phát triển, Đảng ta luôn thực hiện song hành nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn đảng. Việc "xây" và "chống" hoàn toàn không dễ dàng vì có liên quan mật thiết đến công tác cán bộ, đến yếu tố con người với những diễn biến tâm lý phức tạp bên trong cùng tác động của môi trường, hoàn cảnh bên ngoài. Không dễ dàng nhưng phải kiên quyết thực hiện vì điều này quyết định sự tồn vong của Đảng và vận mệnh của đất nước.
Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước.
Đến ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quyết định sửa đổi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng nói riêng, và tiêu cực nói chung, đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực có liên quan đến nhau, có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…
Còn tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rõ thêm về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Theo đồng chí Tổng Bí thư, tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, trong thời gian tới phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Cán bộ cấp chiến lược ngoài các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh cụ thể đã nêu trong Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì cần có một số tiêu chuẩn cao hơn, được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về chính trị, tư tưởng, cán bộ cấp chiến lược phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống có hiệu quả chủ nghĩa cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ, bè phái, những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Về đạo đức, lối sống, cán bộ cấp chiến lược phải thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình; luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng.
Theo TTXVN
Link gốc: https://baotintuc.vn/thoi-su/vu-viet-a-khi-can-thiet-thi-phai-thi-hanh-ky-luat-nghiem-minh-20220607174717280.htm