Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình

Xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình
Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng theo chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực. Những thành tích chung đó đã góp phần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình chuẩn bị các cơ sở, nhất là cơ sở pháp lý để triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Bộ Quốc phòng.

Xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình
Lễ tiễn đội 2 của Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan. Ảnh tư liệu: Xuân Khu/TTXVN

Để chuẩn bị cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng chủ trì cùng các ban, bộ, ngành tổ chức nhiều đoàn công tác đi nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Liên hợp quốc và phái bộ. Đầu tiên là Đoàn công tác liên ngành do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu (tháng 6/2013) cùng với lãnh đạo của một số ban, bộ, ngành đi Nam Sudan để làm việc với lãnh đạo phái bộ và Chính phủ Nam Sudan, qua đó đánh giá các hoạt động thực tế của phái bộ.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, ngày 26/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về việc Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cử các sỹ quan tham gia các khóa tập huấn quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại nhiều quốc gia.

Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa chủ nghĩa Việt Nam, trong đó Điều 89 Hiến pháp năm 2013 quy định: "... Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới". Đây là sự quan tâm cao nhất của Quốc hội, tạo cơ sở hành lang pháp lý quan trọng cho việc cử lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Ngày 21/1/2014, Chính phủ thành lập Tổ công tác liên ngành và ngày 24/10/2015, Bộ Quốc phòng thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để triển khai các nhiệm vụ về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Cũng trong năm 2014, ngày 27/5, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được thành lập, trực thuộc Bộ Quốc phòng và sau đó được nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (ngày 5/1/2018) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong tình hình mới.

Ngày 25/11/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị tập trung làm tốt công tác chuẩn bị để sẵn sàng tham gia khi có đề nghị của Liên hợp quốc.

Đặc biệt, ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Để triển khai thi hành Nghị quyết kịp thời, toàn diện, thống nhất, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mục tiêu của Kế hoạch là xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ nhằm bảo đảm triển khai thi hành Nghị quyết kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Theo Kế hoạch, các bộ, ngành theo chức năng quản lý thực hiện kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp hoặc trái với quy định của Nghị quyết, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hoặc theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ, ban hành văn bản thay thế đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phù hợp Nghị quyết; gửi kết quả kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng, về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 130/2020/QH14.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện biên soạn tài liệu; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tổ chức tập huấn Nghị quyết cho cán bộ chủ trì bộ, ngành trung ương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết…

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/xay-dung-hanh-lang-phap-ly-vung-chac-cho-viec-cu-luc-luong-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-20221223130630500.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39451 sec| 647.578 kb