Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - .

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn. Điển hình là việc pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các cấp độ về phòng thủ dân sự làm cơ sở để xác định các biện pháp ứng phó. Việc quy định các biện pháp ứng phó chưa có sự thống nhất. Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhất là đối với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, quy mô lớn cho thấy nhiều biện pháp đã được quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp và hiệu quả.

Xuất phát từ nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực liên quan đến các bộ, ngành nên có nhiều tổ chức phối hợp liên ngành ở Trung ương chỉ đạo trong việc phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, dẫn đến có sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ. Khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đều vào cuộc, gây lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự ở Trung ương và các bộ, ngành hiện nay chưa thống nhất. Một số loại thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có diễn biến nhanh, đòi hỏi phải huy động lực lượng và tổ chức ứng phó kịp thời, khẩn trương; những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn của cơ quan trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của lực lượng chuyên trách, của chính quyền chưa thực sự rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng về phòng thủ dân sự hoặc quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự,

Từ các lý do nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm , an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự”.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự với các luật chuyên ngành để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng và nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung; luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định để bảo đảm bao quát, toàn diện hơn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Luật Phòng thủ dân sự chỉ nên điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó với thảm họa, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc bạo lực gia đình

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về đối tượng áp dụng (Điều 2, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp 3), một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, quy định về đối tượng áp dụng là không cần thiết, song cần rà soát kỹ để bảo đảm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phù hợp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả “mọi người” trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý theo hướng bỏ Điều 2 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật.

Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), một số ý kiến đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Có ý kiến đề nghị xếp loại theo các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục và các loại bạo lực khác. Một số ý kiến góp ý về nội dung các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nên nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình. Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và được rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), hầu hết các đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã triển khai dự án Luật một cách chủ động, tích cực theo hướng tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri…

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nhấn mạnh, bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối. Thời gian qua, xuất hiện nhiều hành vi bạo lực gia đình, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm… của các thành viên gia đình, gây bất bình trong xã hội. Để hoàn thành dự thảo Luật, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số hành vi bạo lực gia đình như ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; cản trở việc khiếu nại, tố cáo, thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cơ bản nhất trí với dự thảo luật. Cho ý kiến đối với Điều 24 quy định về yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, dự thảo luật nên quy định thêm nội dung: Người có hành vi bạo lực gia đình phải có mặt tại trụ sở Công an xã tính từ lúc nhận được yêu cầu của Công an xã để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, tránh việc người có hành vi bạo lực gia đình chây ì, kéo dài thời gian. “Tôi đề xuất thời hạn là 12 giờ kể từ khi người có hành vi bạo lực gia đình nhận được yêu cầu và có quy định ngoại lệ đối với trường hợp ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; những nơi có đường giao thông đi lại khó khăn có thể tăng thời hạn nêu trên”.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Khoản 1 Điều 34 quy định việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản đối với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Trong thực tế, hành vi bạo lực gia đình đôi khi không chỉ đe dọa đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình mà còn đe dọa tính mạng của những người xung quanh hay chính người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị sửa nội dung Khoản 1 Điều 34 theo hướng: Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình không phải bồi thường thiệt hại tài sản liên quan đến người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng con người.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị bổ sung vào cuối Khoản 1 Điều 3 nội dung: Các hành vi khác chưa được quy định trong dự án Luật nhưng có biểu hiện rõ ràng và có đầy đủ các dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình được coi là hành vi bạo lực gia đình. “Quy định như vậy có tính bao quát. Có những hành vi không lường hết được trong luật, khi có quy định như vậy, chúng ta vẫn có căn cứ để xử lý theo luật”, đại biểu nêu ý kiến.

Cũng nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định rõ thời gian thực hiện việc lao động cộng đồng với đối tượng có hành vi bạo lực gia đình. “Trong quy định không nói rõ thời gian là bao lâu, cần quy định rõ thời gian là một ngày, hai ngày, ba ngày… hay bao lâu”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.

Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến một số nội dung liên quan đến hành vi bạo lực gia đình (Điều 3); yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24); về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án và giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 25, 26 và Điều 27); góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 32); về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33).

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/xay-dung-luat-phong-thu-dan-su-bao-dam-an-ninh-an-toan-cho-dat-nuoc-20221026182359077.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27259 sec| 683.219 kb