Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ: Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 30 điều của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, tăng 2 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm tính hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Về một số nội dung cụ thể, trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân vì sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số vô tuyến điện, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Cuối năm 2009, doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số để triển khai công nghệ 3G, trong khi đó doanh nghiệp cần 7 đến 10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư. Do vậy, việc đấu giá tần số không được áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực. Tháng 12/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá băng tần 2600 MHz theo nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng thông tin di động 4G. Trong quá trình triển khai Luật Đấu giá tài sản, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm, vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với hai doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Trong các năm 2017-2018, sau khi Bộ xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở ý kiến của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan và để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định pháp luật, đến tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg mà xây dựng Nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá. Ngày 1/10/2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
Đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện thể chế chưa theo kịp quá trình phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do chậm trễ trong rà soát các quy định mới, chưa tổ chức nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu sửa đổi kịp thời văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức đấu giá tần số vô tuyến điện; lúng túng trong xử lý các tình huống mới, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật tiếp tục giữ phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá, thi tuyển và cấp giấy phép trực tiếp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Nguyên nhân là do, đấu giá là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Thi tuyển và cấp trực tiếp đều là cấp phép thực hiện theo thủ tục hành chính, cần thiết phải duy trì khi Nhà nước cần tác động trực tiếp vào thị trường như tạo ra doanh nghiệp mới để thúc đẩy cạnh tranh hoặc khi thực hiện mục tiêu chính sách xã hội (phủ sóng rộng), khuyến khích đưa công nghệ mới vào sử dụng. Từ khi Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 có hiệu lực, mới cấp phép trực tiếp đối với tần số sử dụng cho hoạt động dân sự thông thường mà chưa cấp trực tiếp hoặc đấu giá hay thi tuyển tần số có giá trị thương mại cao.
Thảo luận tại Hội trường, cơ bản tán thành với phương án hoàn thiện quy định về cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lưu ý, khi đấu giá sử dụng băng tần vô tuyến điện, thì tiêu chí về thời gian sử dụng là một tiêu chí quan trọng và phải có trong nội dung đấu giá. Cho rằng, việc nội dung đấu giá chưa đề cập đến thời hạn sử dụng băng tần là không phù hợp, theo đại biểu Trần Văn Tiến, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định tại khoản 3, Điều 14, dự thảo Luật để phù hợp với nguyên tắc nêu trên.
Về thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép, đại biểu Trần Văn Tiến chỉ rõ, giữa khoản d và c của Điều 22 được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật chưa thống nhất. Khoản d, Điều 22 quy định, tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng; trường hợp cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì chỉ được xem xét gia hạn tối đa là một năm. Trong khi đó, khoản c quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép được gia hạn không vượt quá thời hạn của giấy phép viễn thông, giấy phép hoạt động báo chí… Do đó, đại biểu đề nghị, cần sửa khoản d theo hướng trường hợp cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng sẽ không được cấp phép gia hạn.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/xem-xet-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-tan-so-vo-tuyen-dien-20221021203247705.htm