Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đông Anh – Hà Nội: Lộ diện dấu hiệu sai phạm tại các gói thầu do công ty Thanh Bình trúng thầu

Đông Anh – Hà Nội: Lộ diện dấu hiệu sai phạm tại các gói thầu do công ty Thanh Bình trúng thầu
Công ty Thanh Bình là công ty quen mặt, trúng nhiều gói thầu lớn trên địa huyện Đông Anh, TP.Hà Nội với tổng trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, trong đó có một số gói thầu xuất hiện dấu hiệu thiếu minh bạch, sai phạm trong quá trình tổ chức đấu thầu và thi công công trình cần được làm rõ.

Cụ thể, ngày 11/6/2020, chủ tịch UBND xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp tu bổ, tôn tạo di tích nghè Châu Phong, xã Liên Hà. Giá gói thầu 8.300.456.000 VNĐ, giá trúng thầu 8.285.979.000 VNĐ tiết kiệm được hơn 14 triệu đồng, thực  hiện trong 200 ngày. Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH tập đoàn xây dựng Thanh Bình (công ty Thanh Bình).

Sau đó, ngày 21/10/2020 công ty Thanh Bình tiếp tục được lựa chọn là nhà thầu thi công gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích đình Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội. Giá gói thầu 9.334.356.000 VNĐ, giá trúng thầu 9.319.750.000 VNĐ tiết kiệm được hơn 14 triệu đồng, thực hiện trong 230 ngày.

Đông Anh – Hà Nội: Lộ diện dấu hiệu sai phạm tại các gói thầu do công ty Thanh Bình trúng thầu
Đình Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội đang được xây dựng.

Cả hai gói thầu trên đều sử dụng nguồn vốn ngân sách và thực hiện đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, cả 2 gói thầu đều đạt tỷ lệ tiết kiệm rất thấp dưới 0.2% (theo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ tiết kiệm trung bình khi đấu thầu qua mạng năm 2019 là 5,4%).

Dấu hiệu sai phạm trong quá trình đấu thầu

Theo phản ánh, tại các gói thầu trên xuất hiện nhiều dấu hiệu sai phạm, thiếu minh bạch trong quá trình đấu thầu và thi công. Cụ thể, Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định, tại thành phố Hà Nội 100% các công trình xây dựng dân dụng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng vật liệu xây (gạch) không nung. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mà trong hồ sơ mời thầu (HSMT) cả 2 công trình kể trên, chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu sử dụng gạch chỉ nung để xây móng và tường.

Đông Anh – Hà Nội: Lộ diện dấu hiệu sai phạm tại các gói thầu do công ty Thanh Bình trúng thầu
Một phần khối lượng mời thầu trong hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp tu bổ, tôn tạo di tích nghè Châu Phong, xã Liên Hà, Đông Anh.

Thêm nữa, tại gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích đình Lễ Pháp, UBND xã Tiên Dương không đăng tải báo cáo đánh giá HSDT theo mẫu được quy định tại Điều 1, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT về đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu và Điều 3, Thông tư 05/2018/TT-BKHĐT quy định chi tiết về việc lập báo cáo đánh giá HSDT đối với các gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, mà chỉ đăng tải báo cáo đánh giá tóm tắt tổng hợp không thể hiện rõ tính minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, gói thầu này là gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích nhưng trong HSMT chủ đầu tư lại không yêu cầu nhân sự chủ chốt (chỉ huy trưởng) phải có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích.

Dấu hiệu gian lận HSDT

Theo tìm hiểu, trong hồ sơ dự thầu (HSDT) cả 2 gói thầu trên nhà thầu kê khai nhân sự Đỗ Quyết Tiến là nhân sự chủ chốt, trong khi hai gói thầu này trùng thời gian thực hiện thi công.

Đồng thời, trong HSDT gói thầu tại Lễ Pháp, xã Tiên Dương kê khai ông Trần Thế Phong làm chỉ huy trưởng công trình. Tuy nhiên, tại công trường, công nhân ở đây cho biết chỉ huy trưởng tên là Đề. Theo lời kể của người quản lý đình Lễ Pháp, chỉ huy trưởng trước đây là ông Lữ, sau đó thay bằng ông Đề.

Việc làm này của công ty Thanh Bình có dấu hiệu vi phạm Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Nhà thầu không được kê khai những nhân sự, thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận”. Ngoài ra, đây cũng là hành vi có dấu hiệu vi phạm một trong những điều cấm trong đấu thầu được quy định tại điểm b, khoản 4, điều 89 – Luật Đấu thầu 2013. Có thể bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3-5 năm.

Sai phạm tại công trường

Có mặt tại công trường thi công tu bổ đình Lễ Pháp, PV ghi nhận công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, công trường ngổn ngang không có biển báo, không có nhà tạm làm ban chỉ huy công trường. Nhà thầu sử dụng gạch không nung để xây dựng không đúng theo tên các hạng mục, công việc cụ thể của từng hạng mục mà HSMT yêu cầu.

Đông Anh – Hà Nội: Lộ diện dấu hiệu sai phạm tại các gói thầu do công ty Thanh Bình trúng thầu
Công nhân thi công tại công trường không có bảo hộ lao động.

Để làm rõ các vấn đề nêu trên, PV có buổi làm việc với đại diện UBND xã Tiên Dương và các bên liên quan. Tại đây, ông Đinh Xuân Hồi – đại diện đơn vị cho biết: “Về vấn đề gạch nung trong bảng các hạng mục xây lắp có thể là do sai lỗi chính tả”. 

Đông Anh – Hà Nội: Lộ diện dấu hiệu sai phạm tại các gói thầu do công ty Thanh Bình trúng thầu
Nhà thầu sử dụng gạch không nung để xây dựng không đúng theo chương IV của hồ sơ mời thầu.

Tìm hiểu được biết, công ty Thanh Bình chính là chủ đầu tư cụm công nghiệp Thụy Lâm tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội được phê duyệt theo quyết định số 5383/QĐ-UBND năm 2019. Tổng mức vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, diện tích hơn 17 hecta đất nông nghiệp, đất trồng lúa. Tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý 4 năm 2019 đến quý 4 năm 2021.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân phản ánh, dự án này chưa hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng đã san lấp hết ruộng của dân, khiến nhiều người bức xúc.

Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.60973 sec| 658.703 kb