Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố ở vụ án thứ 5

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố ở vụ án thứ 5
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 12 người khác bị cáo buộc đã vi phạm quy định về đấu thầu trong dự án mua sắm trang thiết bị của Công ty VNCERT.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và các đơn vị có liên quan. 13 trong vụ án này đều bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.  

Trong đó có cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty BTCVALUE Đặng Xuân Minh; cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Duy Hiếu; cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, nguyên Giám đốc VNCERT Nguyễn Trọng Đường; cựu Phó Giám đốc VNCERT, cựu Phó Chánh văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông Ngô Quang Huy. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố ở vụ án thứ 5
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Kết luận thể hiện, năm 2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông khi đó là ông Trương Minh Tuấn (đang thụ án trong vụ Mobifone - AVG) duyệt "Dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin trên mạng" (Dự án); giao VNCERT làm chủ đầu tư.

Lúc này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn liền cử nhân viên phối hợp với VNCERT xây dựng danh mục trang thiết bị, phần mềm dự kiến sẽ mua sắm và ấn định giá đầu ra. Phương án ban đầu của Công ty AIC giới thiệu là hệ thống sử dụng công nghệ của Isarel nhưng có giá cao, không tương thích với thiết bị sẵn có của VNCERT. Do vậy, Nguyễn Trọng Đường yêu cầu cấp dưới khảo sát hiện trạng, tập hợp nhu cầu mua sắm thiết bị để rà soát danh mục cần đầu tư với quy mô dưới 100 tỷ đồng, lãnh đạo Bộ.

Quá trình này, phía Công ty AIC đưa nhiều hãng thiết bị đến giới thiệu để VNCERT đưa vào danh mục mua sắm. Song song, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo liên hệ với các hãng bán hàng để hỏi giá đầu vào tất cả các thiết bị theo nhu cầu mua sắm của VNCERT sau đó cộng thêm từ 40 đến 60% để tạo giá Dự toán đầu ra thống nhất với VNCERT, đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi. VNCERT đã sử dụng danh mục, dự toán này; hợp thức các gói thầu để lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông phê duyệt.

Quá trình đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn dùng "quân xanh, quân đỏ" để Công ty AIC được trúng thầu Dự án với giá hơn 70 tỷ đồng. Mức này cao hơn thực tế và gây thiệt hại hơn 17 tỷ đồng cho ngân sách. Sau khi đấu thầu, vào dịp Tết năm 2019, nhân viên của AIC gọi điện cho bị can Nguyễn Trọng Đường, hẹn tới chúc Tết nhưng không gặp. Phía AIC sau đó gửi quà và bị can Đường nhận, mở ra thấy có 1 tỷ đồng. Trong số này, Nguyễn Trọng Đường sử dụng cá nhân 200 triệu đồng, còn lại chia cho những người thực hiện Dự án và một phần để sử dụng phục vụ các hoạt động chung của VNCERT.

Do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn nên chưa ghi được lời khai liên quan vụ án này. Tuy nhiên, cáo buộc bà Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Theo Đời sống và Pháp luật

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28588 sec| 646.719 kb