Thời gian vừa qua, PhapluatNet nhận được phản ánh về việc sai phạm trong công tác đấu thầu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gói thầu số 2 về: Cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Dù Bộ Y tế đã phê duyệt khối lượng mời thầu loại chất thải nguy hại không lây nhiễm là 1.000 kg/12 tháng nhưng trong hồ sơ mời thầu (HSMT) gửi đến các đơn vị tham gia đấu thầu, Bệnh viện Việt Đức lại tự ý điều chỉnh khối lượng đó tăng lên 2.300 kg thành 3.300 kg/12 tháng.
Theo tài liệu mà PV có được, tại quyết định số 3800/QĐ-BYT ngày 27/8/2019, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu số 2: Cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.Gói thầu này được chia thành 2 phần: Chất thải y tế lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Trong đó, chất thải y tế lây nhiễm gồm: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao và chất thải giải phẫu được phê duyệt số lương là 427.200 kg/12 tháng với đơn giá là 11.000 đồng/kg. Còn chất thải nguy hại không lây nhiễm gồm: Thiết bị y tế chứa thủy ngân và các kim loại nặng, bóng đèn huỳnh quang thải và pin, ắc quy thải bỏ được phê duyệt là 1.000 kg/12 tháng với đơn giá là 3.300 đồng/kg. Tổng giá trị gói thầu là 4.702.500.000 đồng.
Số lượng Bộ Y tế phê duyệt là thế, nhưng tại hồ sơ mời thầu Gói thầu số 2 do Chủ đầu tư Bệnh viện Việt Đức phát hành ngày 18/10/2019, có số thông báo mời thầu là 20191046358-00. Trong hồ sơ mời thầu, khối lượng mời thầu của loại chất thải nguy hại không lây nhiễm đưa ra lại là 3.300kg, gấp 3.3 lần so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà Bộ Y tế đã phê duyệt.
Được biết, Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Môi Trường Xanh và Công ty CP vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco13) là 2 nhà thầu tham gia gói thầu này. Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Môi Trường Xanh là đơn vị đã trúng gói thầu trên với giá 3.292.470.000 đồng, kèm đơn giá cho loại chất thải nguy hại không lây nhiễm là 1.000 đồng/kg, còn chất thải y tế lây nhiễm là 7.700 đồng/kg.
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này, PV đã liên hệ với đơn vị Chủ đầu tư là Bệnh viện Việt Đức. Tại buổi làm việc với PV, có ông Nguyễn Minh Thành – Trưởng phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và bà Nguyễn Thị Dương – chuyên viên phòng.
Giải đáp thắc mắc về việc sai lệch khối lượng chất thải nguy hại không lây nhiễm trong phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế và hồ sơ mời thầu của Bệnh viện Việt Đức đưa ra. Phía đại diện bệnh viện cho biết: “Để thực hiện gói thầu trên, Bệnh viện Việt Đức đã thuê Công ty CP sở hữu trí tuệ DAVILAW để tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá các hồ sơ cùng với đơn vị thẩm định. Việc thay đổi khối lượng trong hồ sơ mời thầu như báo chí phản ánh là phát sinh trong tình huống đấu thầu”.
Khi được hỏi việc thay đổi khối lượng trong hồ sơ mời thầu so với kế hoạch ban đầu đã được Bệnh viện Việt Đức báo cáo lên Bộ Y tế, các nhà thầu tham gia hay chưa? Đại diện bệnh viện Việt Đức cho biết: “Quá trình lập hồ sơ mời thầu là trách nhiệm của đơn vị tư vấn, khi có phần sai số như vậy thì phía bệnh viện đã có văn bản báo cáo gửi lên Cục Quản lý đấu thầu để hướng dẫn xử lý tình huống phát sinh. Bên bệnh viện mình đã làm hết trách nhiệm, đây cũng là sơ suất cần phải xử lý. Sau đó Cục Quản lý đấu thầu đã gửi VB phản hồi số 370/QLĐT-CS 20/03/2020 về việc khối lượng mua sắm của Bệnh viện Việt Đức”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, để có cách nhìn đa chiều, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Về sửa đổi hồ sơ mời thầu, kể cả theo phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ; một giai đoạn hai túi hồ sơ; hai giai đoạn một túi hồ sơ hay hai giai đoạn hai túi hồ sơ đều thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, cụ thể: Trường hợp sửa đổi hồ sơ mời thầu sau khi phát hành, bên mời thầu phải gửi quyết định sửa đổi kèm theo những nội dung sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu. Quyết định sửa đổi hồ sơ mời thầu là một phần của hồ sơ mời thầu”.
Bên cạnh đó, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh cần phải làm rõ có hay không việc vi phạm quy định của luật đấu thầu về sửa đổi hồ sơ mời thầu, nếu có thì làm rõ trách nhiệm vi phạm thuộc về ai, từ đó mới có hướng xử lý phù hợp.
“Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính (Mục 3 Chương II Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 của Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia” – Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.