Từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, có tổng số 934 chuyến bay đưa công dân về nước được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trong đó có 427 chuyến bay giải cứu, 500 chuyến bay combo và 7 chuyến bay đơn lẻ.
Để thực hiện số lượng chuyến bay trên, đã có khoảng 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp được triển khai thực hiện, số còn lại là doanh nghiệp cho mượn phép nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, sau đó, bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.
Quá trình xin cấp phép chuyến bay, một số đại diện doanh nghiệp đã đưa tiền hoặc qua trung gian đưa tiền cho một số cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn cấp phép chuyến bay.
Trong số đó, Lê Hồng Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Bluesky và Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky là 2 bị cáo bị cáo buộc đưa nhiều tiền hối lộ nhất với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Hơn 38 tỷ đồng hối lộ để xin cấp phép chuyến bay
Công ty Blue Sky do Lê Hồng Sơn sở hữu 70% vốn điều lệ, Nguyễn Thị Thanh Hằng sở hữu 30% vốn điều lệ. Khi xảy ra đại dịch Covid-19, Hằng và Sơn đã dùng các phép nhân: Blue Sky, Blue Trip, Travel Sky liên kết với một số doanh nghiệp để đưa công dân về nước.
Kết quả, nhóm công ty của Sơn và Hằng được cấp phép thực hiện 109 chuyến bay – đây cũng là nhóm công ty tổ chức được nhiều chuyến bay nhất.
Để được phê duyệt chuyến bay, cách ly y tế, cấp vượt số lượng khách, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đã trực tiếp hoặc thông qua mối quan hệ cá nhân đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền để giúp đỡ cho các công ty trong nhóm.
Do cùng góp vốn để kinh doanh, nên Sơn và Hằng đã cùng bàn bạc, thống nhất mức chi tiền cho các cá nhân. Do là người quản lý chính tài chính nên Nguyễn Thị Thanh Hằng là người chủ yếu trực tiếp đưa tiền.
Từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, Sơn và Hằng đã đưa hối lộ 63 lần, tổng số tiền hơn 38,5 tỷ đồng cho 12 cá nhân có thẩm quyền.
Cụ thể, đưa 4 lần số tiền 3,2 tỷ đồng cho Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) và Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ).
Đưa 8 lần số tiền 5 tỷ đồng cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Đưa 8 lần số tiền 5,9 tỷ đồng cho cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan. Đưa 6 lần số tiền 2,6 tỷ đồng cho cực Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng. Đưa 2 lần số tiền 80 triệu đồng cho Lê Anh Tuấn – cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự. Đưa 3 lần số tiền 40 triệu cho Lưu Tuấn Dũng – cựu Phó Trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự. Đưa 2 lần số tiền hơn 2 tỷ đồng cho Nguyễn Hồng Hà – Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản.
Đưa 7 lần số tiền 6 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Đưa 7 lần số tiền 6 tỷ đồng cho Vũ Anh Tuấn – Phó Trưởng Phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Đưa 6 lần số tiền hơn 1,8 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang – cựu Phó Trưởng phòng, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT.
Đưa 9 lần số tiền 9 tỷ đồng cho Trần Văn Tân – cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và đưa 850 triệu đồng cho một số cá nhân khác tại địa phương.
Hơn 61 tỷ đồng để “chạy án”
Bên cạnh đó, vào cuối tháng 1/2021, khi vụ án “chuyến bay giải cứu” bị khởi tố, lo sợ vướng lao lý, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) bàn bạc và tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội) để nhờ tìm mối quan hệ can thiệp nhằm chạy án.
Sau đó, Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu Hằng cho Hoàng Văn Hưng, khi đó đang là Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đồng thời là Điều tra viên chính thụ lý vụ án này.
Hoàng Văn Hưng sau đó đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần liên hệ trao đổi thông tin điều tra vụ án với Nguyễn Anh Tuấn để qua Tuấn nói với Hằng, Sơn và trực tiếp trao đổi với Hằng. Hưng đã hướng dẫn Hằng, thông qua bà này chỉ Sơn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên.
Để chạy án, giai đoạn từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2022, Hằng khai nhận đã đưa cho Nguyễn Anh Tuấn tổng cộng 13 lần số tiền 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61,6 tỷ đồng) để Tuấn đưa cho Hoàng Văn Hưng.
Như vậy, từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2022, Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn bị cáo buộc đã đưa hối lộ đến 76 lần, tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Khai nhận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, 2 bị cáo Hằng và Sơn đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo điểm a khoản 4 Điều 364 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Cả 2 bị cáo này bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội từ 2 lần trở lên.
Bên cạnh đó, cả 2 bị cáo này cũng được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự thú, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong điều tra vụ án, tham gia hoạt động từ thiện.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chuyến bay giải cứu bắt đầu xét xử từ ngày 11/7, dự kiến kéo dài 1 tháng. Đến hết ngày 14/7, phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi và sẽ tiếp tục phần tranh luận vào sáng 17/7.