Ngày 1/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Hải Dương đề nghị truy tố 18 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Công an nhân dân, khoảng cuối tháng 3/2023, Lê Thị Phượng (SN 1985, trú tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) quen biết một người tự giới thiệu tên Tuấn Anh (không rõ nhân thân lai lịch), ở TP.HCM qua mạng xã hội Facebook.
Quá trình quen biết, Tuấn Anh hướng dẫn cho Phượng cách thức thực hiện hành vi lừa đảo bằng hình thức giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng tư vấn vay tiền với lãi suất thấp. Sau đó, yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí, thuế để làm thủ tục vay tiền nhằm chiếm đoạt số tiền đó.
Đối tượng Tuấn Anh bảo Phượng chuẩn bị địa điểm, thuê người thực hiện, anh ta sẽ cung cấp kịch bản lừa đảo, danh sách thông tin cá nhân người dân, tài khoản ngân hàng và đầu số điện thoại để Phượng và các nhân viên gọi điện thực hiện hành vi lừa đảo.
Hai bên thỏa thuận các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo như tiền lương nhân viên, tiền hoa hồng của nhân viên, các chi phí tiền thuê nhà, tiền điện, tiền mạng sẽ được cắt trực tiếp từ số tiền lừa đảo được để chi trả, Phượng được hưởng 7% số tiền lừa đảo được, số tiền còn lại Tuấn Anh hưởng.
Sau khi bàn bạc, thống nhất, Phượng đã thuê nhà của anh Nguyễn Nguyên Hưng (trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) làm địa điểm thực hiện hành vi lừa đảo.
Sau đó, Phượng thuê các đối tượng gồm Nguyễn Thị Thảo (SN 1997); Lê Thị Linh (SN 1994); Phạm Thị Thanh Xuân (SN 1994); Ngô Thị Nga (SN 1993); Nguyễn Thị Hồng (SN 2003); Bùi Thị Yến (SN 1994); Lê Thị Phương (SN 1998); Lê Thị Lan Anh (SN 2001); Ngô Thị Kim Oanh (SN 1993); Phạm Thị Hương (SN 2000); Nguyễn Thị Lan (SN 1992); Đỗ Thị Giang (SN 2000); Ngô Thị Kim Yến (SN 1994); Nguyễn Ngọc Ánh (SN 2001); Lê Thị Hiền (SN 1986); Hà Thị Trang (SN 2000); Lê Thị Huệ (SN 1992, cùng trú tại Thanh Hoá).
Theo phân công của Phượng, Thảo và Linh có nhiệm vụ nhận danh sách thông tin khách hàng để in phát cho các đối tượng còn lại, chấm công, thống kê số tiền lừa đảo được để cuối tháng tính tiền lương, tiền hoa hồng; trực tiếp tham gia hỗ trợ trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng còn lại xưng danh là nhân viên tư vấn để trực tiếp gọi điện cho khách hàng thực hiện hành vi lừa đảo.
Thông tin trên An ninh Thủ đô, bằng thủ đoạn trên, từ tháng 4/2023 đến giữa tháng 11/2023, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện lừa cho vay vốn. Đến giữa tháng 11/2023, nhóm đối tượng này đã thay đổi cách thức lừa đảo bằng hình thức tư vấn bán hàng gia dụng, sau đó thông báo khách hàng trúng thưởng xe máy SH, yêu cầu khách hàng chuyển tiền làm thủ tục nhận xe máy nhằm chiếm đoạt tiền…
Phượng trả lương cố định hàng tháng cho các đối tượng làm thuê với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương, Phượng trả thêm cho các đối tượng tiền hoa hồng tính theo số tiền lừa đảo được.
Đối với hình thức giả danh nhân viên ngân hàng lừa vay vốn, các đối tượng trực tiếp thực hiện việc gọi điện lừa đảo được Phượng trả tiền hoa hồng là 7% số tiền lừa đảo được; Linh và Thảo mỗi người được hưởng 1,5% trên tổng số tiền tất cả các đối tượng khác lừa đảo được.
Đối với hình thức bán hàng gia dụng lừa trúng thưởng xe SH, các đối tượng trực tiếp thực hiện việc gọi điện được hưởng 5% giá trị đơn hàng bán được và 7% số tiền lừa đảo được, Linh và Thảo mỗi người được hưởng 3% trên tổng số tiền tất cả các đối tượng khác lừa đảo được.
Tất cả tiền lừa đảo đều được chuyển đến tài khoản ngân hàng do Phượng cung cấp cho các đối tượng làm thuê.
Quá trình điều tra đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương xác định, Phượng và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt của 19 người bị hại với tổng số tiền hơn 612 triệu đồng. Nạn nhân trong các vụ lừa phần lớn là người cao tuổi. Trong các vụ án này, đối tượng đã đánh vào lòng tham và sự nhẹ dạ, cả tin của các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.