Vụ Việt Á: Vụ án điển hình của tham nhũng có hệ thống
Giữa tháng 1/2024, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với 38 bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học công nghệ (Bộ KH-CN) và một số địa phương.

Theo cáo buộc của Viện kiểm sát (VKS), đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc rồi lây lan sang Việt Nam. Để phục vụ công tác phòng chống dịch, Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á triển khai đề tài nghiên cứu kit test Covid-19, kinh phí gần 19 tỷ đồng được trích từ ngân sách Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, các bị cáo tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số đơn vị đã có nhiều sai phạm nhằm biến kết quả nghiên cứu từ tài sản Nhà nước thành tài sản tư nhân. Công ty Việt Á sau đó đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test; nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.
Để đề tài nghiên cứu được nghiệm thu, cấp phép lưu hành và phân phối kit test, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt chi hơn 106 tỷ đồng hối lộ các quan chức như cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (2,25 triệu USD), cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến (27 tỷ đồng), cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN Các ngành kinh tế - kỹ thuật (350.000 USD)...
Ngoài ra, Phan Quốc Việt còn chi hàng chục tỷ đồng nhằm cảm ơn một số quan chức đã đưa ra quyết định trái pháp luật, có lợi cho công ty như cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh (200.000 USD); cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng (100.000 USD)…
Để bán được nhiều kit test tại các địa phương, cơ sở y tế, Công ty Việt Á có chủ trương ứng trước kit test cho những đơn vị này sử dụng, sau đó mới hợp thức hồ sơ đấu thầu. Trong quá trình hợp thức, Công ty Việt Á cũng chi “hoa hồng” ngoài hợp đồng lên tới cả chục tỷ đồng cho lãnh đạo các đơn vị.
Với bản án sơ thẩm, "đại án" Việt Á có 38 bị cáo bị truy tố về 5 tội danh khác nhau. Tuy nhiên, đến ngày 15-17/5/2024, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ Việt Á do có đơn kháng cáo của các bị cáo, người liên quan…
Kết quả, bị cáo Phan Quốc Việt y án 29 năm tù về 2 tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”; Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) y án 15 năm tù về 2 tội tương tự.
Với tội danh nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Thanh Long bị kết án 17 năm tù (giảm 1 năm tù); Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) bị kết án 12 năm tù (giảm 1 năm tù); Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN) y án 14 năm tù; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế) bị kết án 6 năm 3 tháng tù (giảm 9 tháng tù)…
2 bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN) cùng bị phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo còn lại bị kết án từ 30 tháng – 5 năm 6 tháng tù.
Đại án Vạn Thịnh Phát: Những con số “khủng”
Ngày 17/11/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị VKS nhân dân tối cao truy tố đối với 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết và giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý.
Bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây với tỷ lệ nắm giữ ít nhất 85% cổ phần. Do đó, Trương Mỹ Lan đã dùng SCB như một nguồn huy động vốn cho cá nhân và cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB (vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào).
Lợi dụng vai trò là cổ đông lớn, Trương Mỹ Lan đã truyền đạt ý chí cho các lãnh đạo SCB là Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung thực hiện việc rút tiền từ SCB nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng. Hành vi nêu trên của các bị cáo đủ cấu thành tội tham ô tài sản.
Cơ quan điều tra xác định, bị cáo Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Thời điểm đó, SCB không thể chi trả và phát sinh thêm số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.
Với vai trò, trách nhiệm được giao là Trưởng đoàn thanh tra, bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) đã không báo cáo trung thực với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu so với kết quả thanh tra mà đề xuất theo hướng giảm nhẹ sai phạm và kiến nghị tạo điều kiện cho ngân hàng này tiếp tục được tái cơ cấu.
Kết quả điều tra xác định, bị can Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD, các thành viên đoàn thanh tra nhận từ 1000-21000 USD để bao che cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB.
Tuy nhiên, SCB không có vốn nhà nước, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 11/4/2024, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay, tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ và trách nhiệm dân sự. Tổng hợp hình phạt là tử hình. 85 bị cáo còn lại trong vụ án nhận các mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân.
Sau bản án sơ thẩm, Trương Mỹ Lan và nhiều bị cáo khác kháng cáo.

Đến ngày 4/11/2024, phiên tòa phúc thẩm diễn ra để xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác liên quan đến các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tất cả các bị cáo đều kháng cáo với mong muốn được cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan còn kháng cáo đề nghị xem xét lại hành vi phạm tội và các số liệu quy buộc trách nhiệm.
Sau thời gian nghị án kéo dài, ngày 3/12/2024, HĐXX tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác trong vụ án. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ; 16 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Với tội danh tương tự, Cựu Chủ tịch HĐQT SCB Bùi Anh Dũng bị tuyên y án chung thân.
Cùng tội danh tham ô tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 3 bị cáo Bùi Anh Dũng (Cựu Chủ tịch HĐQT SCB) bị tuyên án chung thân; Tạ Chiêu Trung (Cựu Thành viên HĐQT SCB) bị tuyên án 18 năm tù; Võ Tấn Hoàng Văn (Cựu Tổng Giám đốc SCB) bị tuyên án chung thân.
Về tội danh nhận hối lộ, bị cáo Đỗ Thị Nhàn - Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước bị tuyên y án chung thân.
Bị cáo Trương Huệ Vân - thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor - WMC (cháu bị cáo Lan) được giảm từ 17 năm tù xuống còn 13 năm tù về tội tham ô tài sản;
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) được giảm từ 9 năm tù xuống còn 7 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;
Bị cáo Nguyễn Cao Trí - Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella được giảm từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Những bị cáo còn lại bị tuyên án từ 1 năm 6 tháng đến 17 năm tù, trong đó có nhiều bị cáo được giảm nhẹ hình phạt từ 3 tháng – 5 năm tù.
Nhận hối lộ theo “dây chuyền” tại Cục Đăng kiểm Việt Nam
Ngày 23/8/2024, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án đối với 254 bị cáo về 11 tội danh gồm: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong đại án đăng kiểm xảy ra Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Cáo trạng xác định, trong thời gian giữ chức Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, ông Đặng Việt Hà là người chỉ đạo mọi hoạt động của đơn vị, quản lý công tác đăng kiểm trên cả nước. Tuy nhiên, ông đã buông lỏng quản lý để các Phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài.
Khi phát hiện sai phạm, ông Hà không xử lý mà tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận tiền hối lộ và chia mức hưởng lợi theo nguyên tắc "phải đảm bảo lợi ích của Hà là cao nhất".
Theo đó, ông Hà đã nhận hối lộ hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị Phòng kiểm định xe cơ giới là hơn 31 tỷ đồng; 4 trung tâm đăng kiểm (Khối V, thuộc Cục tại TP.HCM) là hơn 7,6 tỷ đồng; 5 trung tâm đăng kiểm Khối V tại Hà Nội nhận 780 triệu đồng và tiền hối lộ của các Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng. Ông Hà bị cáo buộc hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.
Tương tự, ông Trần Kỳ Hình bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm, bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện. Tổng cộng, ông Hình nhận hối lộ hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD.
Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì trí công tác làm trái quy định, đã duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và Cục đăng kiểm Việt Nam.
Sau Cục Đăng kiểm Việt Nam, các bị can thuộc nhóm lãnh đạo và cán bộ tại Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) là nơi có chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện xe. Trong đó, Trần Anh Quân (quyền trưởng phòng VAR) là người quyền lực nhất.
Từ khi nhận chức vào tháng 3/2019, Quân đã vạch ra chủ trương bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế để cấp giấy chứng nhận cải tạo xe của các công ty cho nhân viên thực hiện. Quân đã bàn bạc, thống nhất chủ trương nhận, chia tiền hối lộ với 12 đăng kiểm viên phòng VAR, do đó Quân phải chịu trách nhiệm về tổng số tiền các đăng kiểm viên đã nhận hối lộ là hơn 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra đánh giá cấp phép đủ điều kiện Trung tâm Đăng kiểm 50-19D, Quân còn nhận hối lộ 9.500 USD. Cơ quan tố tụng xác định Quân hưởng lợi 11,5 tỷ đồng và 9.500 USD.
Kết luận, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án bị cáo Trần Kỳ Hình 25 năm tù giam, bị cáo Đặng Việt Hà 19 năm tù giam, 252 bị cáo còn lại bị kết án từ 1-30 năm tù.
Vụ án Xuyên Việt Oil
Ngày 29/11/2024, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - cựu Giám đốc, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) cùng 14 đồng phạm.

Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động kinh doanh, bị cáo Hạnh đã cố ý không chuyển nộp thuế bảo vệ môi trường mà Nhà nước giao thu hộ, quản lý vào ngân sách và sai phạm trong trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG). Số tiền đó đã được bị cáo Hạnh sử dụng vào mục đích cá nhân như: mua bất động sản, cho vay, đưa hối lộ cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, các cá nhân tại Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Cục thuế TP.HCM… dẫn đến mất khả năng hoàn trả, gây thất thoát số tiền thu ngân sách Nhà nước hơn 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường và hơn 219 tỷ đồng Quỹ BOG.
HĐXX đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo Hạnh và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và tác động tiêu cực đến tình hình an ninh năng lượng quốc gia, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, vai trò đồng phạm giúp sức cuả từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 19 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 11 năm tù về tội “đưa hối lộ”. Tổng hình phạt là 30 năm tù. Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc bị cáo Hạnh bồi thường toàn bộ thiệt hại vụ án là hơn 1.705 tỷ đồng.
Với bị cáo Lê Đức Thọ - Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, HĐXX xác định từ năm 2019 đến tháng 1/2020, khi Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, bị cáo Thọ đã 2 lần nhận hối lộ với tổng số tiền là 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh.
Bên cạnh đó, bị cáo Thọ còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank để tác động cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%. Như vậy, bị cáo Thọ nhận hối lộ và lợi dụng vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi hơn 33 tỷ đồng.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Đức Thọ 15 năm tù về tội “nhận hối lộ”, 13 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Tổng hợp mức án là 28 năm tù và phạt hành chính mỗi tội danh 100 triệu đồng.
Với các bị cáo còn lại, mỗi bị cáo bị tuyên án từ 1 năm 6 tháng tù đến 7 năm tù và các hình phạt bổ sung.