Ngày 10/12, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trần Thị Phương (SN 1998, quê Đồng Nai) mức án 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Đồng thời, bị cáo Phương còn bị tuyên buộc phải bồi thường cho bị hại gần 1 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Người Bạn Vàng ký hợp đồng lao động với Trần Thị Phương và giao nhiệm vụ cho Phương làm giao dịch viên, kiêm quản lý tài sản cầm cổ của Công ty tại Chi nhánh Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.
Trong thời gian làm việc, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của công ty về tài sản của khách hàng cầm cố nên Phương đã nảy sinh ý định chiếm đoạt để đem đi cầm cố lấy tiền trả nợ và tiêu xài.
Cuối tháng 10/2022, Phương lên mạng tham khảo giá kim cương, tìm kiếm những mối mua bán trực tuyến. Qua đó, Phương kết nối với chị T.T.C.M., người sau này trở thành đầu mối tiêu thụ số kim cương mà Phương chiếm đoạt.
Sau khi trao đổi với chị M., Phương thấy lãi suất cầm cố cao và số tiền cầm không đủ để Phương trả nợ nần. Phương thỏa thuận sẽ bán các sản phẩm kim cương cho chị M.
Sau đó, Phương dùng mã vạch của các gói hàng mà Phương chiếm đoạt dán lên một trong số các túi xách đã có mã vạch chung của các hợp đồng cầm cố khác, để khi Công ty kiểm tra nhận diện sản phẩm cầm cố bằng cách quét mã vạch trên túi xách thì sẽ hiển thị các gói đồ khách cầm là trang sức vàng, đá quý vẫn còn.
Bằng thủ đoạn này, Phương đã thực hiện 4 vụ chiếm đoạt tài sản của Công ty đem bán cho chị M. Cụ thể, từ cuối tháng 10/2022 đến ngày 20/11/2022, Phương đã ba lần chiếm đoạt tài sản công ty trót lọt.
Đến ngày 22/11/2022, Phương lấy một hộp niêm phong bên trong có 1 đôi bông tai kim cương mỗi bên có đính 1 viên kim cương trọng lượng 5.2 ly do chị V.T.K.T. cầm cố cho Công ty Cổ phần Người Bạn Vàng rồi mang về nơi ở cất giữ chờ bán cho chị M.
Ngày 03/12/2022, nhân viên của Công ty Cổ phần Người Bạn Văng kiểm kê hàng hóa để bàn giao ca cho nhân viên khác thì phát hiện bị mất gói hàng đôi bông tai kim cương nên nhân viên này trình báo lãnh đạo công ty biết.
Công ty kiểm tra phát hiện bị mất thêm 3 gói hàng khác do khách cầm cố nên tiến hành rà soát quy trình làm việc của các nhân viên.
Ngày 12/12/2022, Công ty Cổ phần Người Bạn Vàng mời Phương đến làm việc, Phương thừa nhận hành vi bất chính và tự nguyện nộp lại đôi bông tai kim cương chưa kịp bán. Sau đó, Công ty Cổ phần Người Bạn Vàng trình báo sự việc với Công an.
Được biết, tổng tài sản 4 lần Phương chiếm đoạt qua định giá hơn 1,2 tỷ đồng. Phương khai khoản tiền tham ô được nhanh chóng bị tiêu xài vào việc trả nợ và nhu cầu cá nhân.
Theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, người phạm tội tham ô tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.