Sáng ngày 25/7, phiên toà xét xử ông Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo liên quan đến vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" tiếp tục phần xét hỏi.
Tại toà, ngay từ ngày đầu, ông Trịnh Văn Quyết đã thừa nhận toàn bộ hành vi đã nêu trong cáo trạng. Do đó, tại phần trình bày của bản thân, cựu Chủ tịch FLC chỉ bày tỏ thái độ ăn năn, hối hận và tinh thần khắc phục hậu quả.
VKS hỏi, đến thời điểm hiện tại bị cáo mới nộp hơn 5% giá trị thiệt hại của vụ án, phương án khắc phục tiếp theo là gì?
Bị cáo cho biết, kể từ khi bị bắt vào ngày 29/3/2022 về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", bị cáo đã xác định số tiền bồi thường có thể lên đến gần 700 tỷ đồng. Trong khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo xin sớm dùng tài sản để khắc phục hậu quả.
Sau đó, bị cáo đã quyết định bán "đứa con tinh thần tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airway. Số tiền hơn 200 tỷ đồng thu được đã được gia đình khắc phục, còn 500 tỷ đồng sau khi được đối tác thanh toán cũng sẽ được nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.
Như vậy, bị cáo xác định sau khi bán xong hãng hàng không Bamboo Airway đã khắc phục được hậu quả cho tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tuy nhiên, trong năm 2023, bị cáo tiếp tục bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Do đó, bị cáo sẽ dùng toàn bộ tài sản cá nhân đang bị phong toả để khắc phục hậu quả. Trịnh Văn Quyết cũng tiết lộ số tài sản "đóng băng" ước tính gần 5.000 tỷ đồng. Đây là toàn bộ tài sản tích luỹ trong hơn 20 năm lập nghiệp của bị cáo.
Ông Quyết cho biết, nếu được HĐXX gỡ bỏ phong toả tổng số tài sản cá nhân khoảng 5.000 tỷ đồng cùng với 500 tỷ đồng bán hãng hàng không Bamboo Airways (đối tác chưa thanh toán) thì ông có thể khắc phục hậu quả.
Đáng chú ý, theo ông Quyết, trong số tài sản riêng có giá trị nhất là 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC. "Theo bị cáo, tính sơ bộ giá trị thực với 5.000-6.000 phòng khách sạn 5 sao (không tính giá trị cổ phiếu) thì FLC cũng giá trị hàng tỷ USD. Nếu bán có thể thu được hàng chục nghìn tỷ đồng", ông Quyết cho hay.
"Với tài sản tích lũy trong 20 năm cùng với sự đau đáu khắc phục hậu quả, bị cáo mong muốn được tạo điều kiện. Bị cáo nhiều lần xin bằng miệng và thông qua luật sư gửi đơn nhưng chưa được giải quyết", ông Quyết tha thiết.
Sau khi lắng nghe, HĐXX cho biết sẽ xem xét đề nghị của bị cáo.
Các luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cho hay, trong thời gian tạm giam, ông Quyết và gia đình luôn cố gắng khắc phục hậu quả của vụ án. Sáng ngày 23/7, (ngày thứ 2 diễn ra phiên toà), bà Lê Thị Ngọc Diệp vợ ông Quyết cũng có đơn gửi tới HĐXX - TAND Tp. Hà Nội về việc nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền 25,1 tỷ đồng.
Do tài sản cá nhân bị phong toả, nên gia đình ông Trịnh Văn Quyết đã huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè tối đa để nộp tiền khắc phục hậu quả.
Vào ngày 9/7/2024, bà Lê Thị Ngọc Diệp đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 23 tỷ đồng. Trước đó, bị cáo và gia đình cũng tự nguyện khắc phục số tiền hơn 191 tỷ đồng.
Theo luật sư, thực tế chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán bị phong toả, ông Quyết có hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và 1,5 tỷ cổ phiếu các loại (FLC, ROS, ART, GAB, VNM ...) với tổng giá trị cổ phiếu (tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong tỏa) là khoảng 4.800 tỷ đồng.