Vừa qua, Diễn đàn Pháp luật nhận được phản ánh của độc giả về việc thay vì sử dụng đất đúng mục đích là hoạt động sản xuất công nghiệp, nhiều cá nhân tổ chức đã tự ý xây dựng hàng loạt khu nhà ở kiên cố trên Cụm Công nghiệp Làng nghề xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
Theo phản ánh của một số hộ dân nơi đây, ngày 28/9/2018, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 5716/QĐ-UBND cho phép liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Hoàng Tín, Công ty Cổ phần Giao thông Hồng Hà thuê 72.423,4m2 đất tại xã Văn Tự (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) để thực hiện dự án Cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự. Tiếp đó, ngày 6/12/2018, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 6642/QĐ-UBND về việc cho liên danh 2 Công ty trên thuê 1.259,6m2 đất tại xã Văn Tự để thực hiện giai đoạn 2 dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, bên cạnh nhiều kho xưởng được dựng lên thì cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng xây dựng công trình nhà ở bê tông kiên cố cao 2 – 3 tầng.
Điều đáng nói và khiến nhiều người dân thắc mắc đó là: Vì sao đất của Cụm công nghiệp làng nghề lại xây nhà ở như khu đô thị? Ai đang tạo điều kiện để những công trình nhà ở kiên cố này được phép xây dựng và tồn tại?
Để làm rõ thông tin trên, PV đã có mặt tại Cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự. Tại đây, theo ghi nhận của PV có nhiều công trình nhà kiên cố hiện đại đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các ô đất trong cụm làng nghề hiện tại có nhiều công trình nhà ở kiên cố cao tầng vẫn đang được xây dựng, hoàn thiện nằm san sát nhau.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hùng Sơn - Chủ tịch UBND xã Văn Tự cho biết: "Cụm công nghiệp Làng nghề xã Văn Tự được đề nghị mở từ năm 2004 do nhu cầu của người dân trong xã là rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên mãi mọi thủ tục pháp lý mới xong. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, Thành phố đã giao cho huyện, xã thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau đó, Thành phố ban hành quyết định thu hồi đất giao cho doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng và giao cho Sở tài nguyên kí hợp đồng thuê đất với doanh nghiệp (thời hạn 50 năm), doanh nghiệp được cấp sổ đỏ, họ cho dân thuê, xã chỉ có yêu cầu phải đáp ứng 80 – 90% là dân làng nghề".
Khi được hỏi có hay không việc Cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự bị “xẻ” đất cho thuê sai phép, ông Sơn cho biết: "Cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng chuẩn quy hoạch và đã được Thành phố xuống kiểm tra. Có những lô đất cho thuê được phép xây dựng. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm là có nhưng rất ít không đến mức “hàng loạt” sai phạm như phản ánh".
"Tình trạng này, xã cũng báo cáo Đội trật tự xây dựng. Họ về báo cáo với huyện thì huyện xử lý chứ xã khó xử lý. Hiện tại, xã không nắm bắt được bất cứ hồ sơ nào liên quan đến việc Thành phố giao trách nhiệm cho xã xử lý tình trạng này", ông Sơn cho biết thêm.
Thiết nghĩ, UBND huyện Thường Tín, UBND xã Văn Tự cần sớm chỉ đạo, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm những vi phạm trên nhằm giữ vững kỷ cương luật pháp trong lĩnh vực xây dựng.
Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.