Theo tìm hiểu của PV, tại địa chỉ số 40 Phùng Hưng đang có nhiều đơn vị cùng hoạt động ở đây. Hai bên mặt tiền là trụ sở giao dịch của ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Ở giữa là một lối đi nhỏ treo biển Tổng công ty xây dựng đường thuỷ - PTCP VINAWACO. Theo lối nhỏ đi vào trong thì một nửa tầng 2 cũng là văn phòng làm việc của 2 ngân hàng nêu trên.
Tổng công ty xây dựng đường thuỷ (VINAWACO) là công ty trực thuộc Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện cổ phần hoá từ năm 2014 với 36,62% vốn nhà nước. Sau cổ phần hoá, toàn bộ khu đất tại số 40 Phùng Hưng đang thuộc quyền quản lý và sử dụng của tổng công ty VINAWACO theo hợp đồng thuê đất số 701/HĐTĐ-STNMT-PC của Sở tài nguyên môi trường TP. Hà Nội ký ngày 18/8/2016.
Theo đó, diện tích đất thuê là hơn 800m2 trong thời gian 50 năm nhằm mục đích làm trụ sở làm việc của công ty. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty xây dựng đường thuỷ lại đồng ý cho các đơn vị khác thuê làm phòng giao dịch ngân hàng và chiếm gần hết toàn bộ mặt tiền của khu đất.
Được biết, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) phải trả số tiền 2.52 tỷ đồng/năm, Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam phải trả 2.18 tỷ đồng/năm để được sử dụng mặt bằng ở đây làm phòng giao dịch.
Trao đổi với PV PhapluatNet, ông Ngô Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT tổng công ty VINAWACO cho biết khu đất 40 Phùng Hưng trước đây là của Liên hiệp đường sông, sau đó giao lại cho Tổng công ty đường thuỷ quản lý, sử dụng và không phải nộp tiền sử dụng đất.
“Toàn bộ việc cho các đơn vị khác vào thuê đất của Tổng công ty đều được thông qua Hội đồng quản trị, được hạch toán và nộp thuế đầy đủ. Tình hình hiện tại của công ty rất khó khăn, đã 6 năm sau khi thực hiện cổ phần hoá nhưng không quyết toán vốn nhà nước được. Các thiết bị vật tư sử dụng không hiệu quả không bán được, việc cho thuê bổ sung nguồn thu phục cho công ty và cán bộ công nhân viên ở đây”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Để rộng đường dư luận, PV PhapluatNet có buổi làm việc với ông Nguyễn Huy Hiền – Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đường thuỷ, Cục phó cục đường sắt Việt Nam. Theo ông Hiền, khi định giá trị doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hoá, khu đất số 40 Phùng Hưng chỉ tính phần tài sản trên đất vì đất là đất thuê. Tổng giá trị tài sản hơn 10 tỷ đồng, trừ khấu hao còn hơn 7 tỷ. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ việc cho thuê đất 1 năm ở đây đã gần chục tỷ.
Đem những thắc mắc về việc sử dụng, cho thuê đất của Tổng công ty xây dựng đường thuỷ có đúng thẩm quyền, đúng mục đích hay không? PV PhapluatNet có liên hệ với phòng Tài nguyên môi trường quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua nhưng PV không nhận được hồi âm.
Việc cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích của các đơn vị, cơ quan ban ngành đã biến tướng tinh vi thành các hợp đồng liên doanh, liên kết gây thất thu ngân sách, mất trật tự xã hội. Nhiều trường hợp vi phạm đất đai chưa được chính quyền phường, xã, thị trấn và quận, huyện, thị xã ngăn chặn kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước thực tế này, đề nghị UBND TP Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sử dụng, quản lý đất công trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và trên địa bàn Thành phố nói chung. Đồng thời, có Kế hoạch xử lý vi phạm sử dụng đất công không đúng mục đích trên khắp địa bàn Thành phố.
Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013 có những quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 64 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.