Theo đó, sau 5 ngày nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tại buổi tuyên án, ông Mai Tiến Dũng xin vắng mặt.
Bị cáo Trần Đức Quận - cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và bị cáo Trần Đức Hiệp - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.
Với tội đưa hối lộ, bị cáo Nguyễn Cao Trí - Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh bị phạt 3 năm tù. Trước đó, bị cáo Trí bị tuyên phạt 6 năm tù trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Tổng hợp hình phạt của bị cáo Trí là 9 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị tuyên án bằng thời hạn tạm giam, án tù treo hoặc cao nhất đến 3 năm 6 tháng tù giam.
Tòa nhận định, đây là vụ án điển hình sai phạm trong hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, có sự câu kết giữa các cá nhân trong và ngoài cơ quan quản lý Nhà nước. Hành vi của bị cáo Trí đã tha hóa nhiều bị cáo giữ chức vụ trong cơ quan quản lý Nhà nước, từ Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng...
Trong vụ án này, tòa đã xem xét tổng thể vụ án, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, động cơ, bối cảnh phạm tội và đã rất nghiêm túc đánh giá để đưa ra mức án hết sức nhân văn và phù hợp. Hầu hết các bị cáo đều bị tuyên mức án dưới khung hình phạt.
Ngoài tuyên án phạt tù, bản án nêu tại tòa cũng đề cập đến việc người thân của ông Trần Văn Minh (cựu Phó tổng Thanh tra Chính phủ - đã qua đời) phát biểu quan điểm cho rằng “không có cơ sở xác định ông Minh nhận hối lộ 10 tỷ đồng từ ông Nguyễn Cao Trí”. Gia đình ông Minh kiến nghị tòa giải tỏa các tài sản đang bị kê biên, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định, căn cứ vào lời khai của bị cáo Nguyễn Cao Trí, lời khai của tài xế và con trai của ông Minh cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được có đủ cơ sở xác định ông Trí đã hai lần đưa hối lộ tổng số tiền 10 tỷ đồng cho ông Trần Văn Minh.
Hiện ông Minh đã mất nên tòa không xử lý trách nhiệm hình sự, thế nhưng cần tịch thu số tiền 10 tỷ đồng, sung công quỹ Nhà nước. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã gửi công văn tới các đơn vị chính quyền TP.HCM đề nghị tạm dừng giao dịch đối với 3 bất động sản đứng tên chung của ông Minh và vợ là bà Tạ Thị Tuyết Mai, nhằm đảm bảo nghĩa vụ khắc phục hậu quả.
Về tài sản của ông Trí, theo bản án, quá trình thực hiện dự án Đại Ninh, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có nhiều vi phạm Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2014 thuộc các trường hợp thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của dự án. Do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi dự án theo Kết luận thanh tra là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù biết dự án Đại Ninh bị kiến nghị thu hồi nhưng bị cáo Trí vẫn thỏa thuận mua dự án Đại Ninh thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Đồng thời, bị cáo Trí lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với các bị cáo tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật các quyết định đúng đắn của Nhà nước trong việc xử lý sai phạm, thu hồi dự án Đại Ninh. Sau đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí đã bán dự án Đại Ninh cho Công ty Thiên Vương với giá trị thực tế là 27.600 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 2.700 tỷ đồng.
Do đó, tòa nhận định, số tiền 2.700 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí nhận từ việc chuyển nhượng dự án Đại Ninh được xác định là số tiền bị cáo Trí hưởng lợi bất chính, có được từ chuỗi hành vi phạm tội, là tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm nên tịch thu, sung công quỹ. Tòa tiếp tục kê biên một số bất động sản của ông Trí để đảm bảo thi hành án.