Ngày 18/10, ca sĩ Thủy Tiên đăng tải dòng trạng thái kèm theo hình ảnh cảnh báo việc có fanpage mạo danh mình. Theo đó, fanpage có tên "Thủy Tiên" được tạo từ ngày 16/10 đã mua quảng cáo từ Facebook với nội dung kêu gọi chuyển tiền ủng hộ đồng bào miền Trung gặp khó khăn vì lũ lụt. Số tiền ủng hộ được trang này yêu cầu gửi đến tài khoản: 19036212***013 của Le Thi N. (ngân hàng Techcombank).
"Nếu hết hôm nay bạn không gỡ post, mình sẽ ra ngân hàng truy tìm CMND của bạn để gửi công an. Lừa đảo là tội hình sự có thể ở tù hơi lâu đó. Bà con đang khổ bạn không giúp được thì thôi còn đi lừa người ta là nghiệp nặng lắm đó", ca sĩ Thủy Tiên viết trên Facebook cá nhân.
Hiện bài viết giả mạo ca sĩ Thủy Tiên đã biến mất khỏi Facebook. Fanpage lừa đảo cũng đã bị xóa. Sự việc khiến dư luận bất bình, nhiều người lên án người có hành vi giả mạo ca sĩ Thủy Tiên và cho rằng cần phải bị xử lý thích đáng.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Đời Sống & Pháp Luật, luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN cho hay, theo thông tin từ báo chí, thì ca sĩ Thủy Tiên với sức ảnh hưởng của mình đã đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ tiền bạc để cứu giúp cho người dân miền Trung đang bị ngập lụt. Như vậy, ca sĩ Thủy Tiên là bên trung gian để kết nối số tiền ủng hộ của mọi người (Bên tặng cho) đến những người dân đang bị ngập lụt (Bên nhận tặng cho). Và cũng chính ca sĩ Thủy Tiên là người được chỉ định để thay mặt những người ủng hộ trao tiền, điều này được hình thành từ uy tín của cá nhân ca sĩ Thủy Tiên.
"Tuy nhiên, việc một người tạo lập một tài khoản mang tên giống với ca sĩ Thủy Tiên, để hình ảnh đại diện cũng như ghi các thông tin về việc mình đang kêu gọi mọi người từ thiện và địa điểm đang đi từ thiện cũng gần tương tự với ca sĩ Thủy Tiên. Để làm mọi người lầm tưởng đây là ca sĩ Thủy Tiên, thì những hành vi đã thực hiện này là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi đã thực hiện mà người vi phạm có thể bị xử lý về hành chính, hoặc có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự", luật sư Việt cho hay.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Nếu người thực hiện hành vi mạo danh ca sĩ Thủy Tiên, chưa thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt được tài sản thì có thể bị xử lý hành chính với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo trên mạng xã hội, mức xử phạt có thể lên đến 20 triệu đồng.
Trường hợp đối tượng đã chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng, theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2.000.000 đồng.”
Trường hợp qua điều tra, xác minh cơ quan chức xác định người giả mạo đã chiếm đoạt được tài sản của những người chuyển tiền từ thiện thông qua các thủ đoạn gian dối từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Điều 174 BLHS 2015. Theo đó, trường hợp người giả mạo vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong trường hợp người giả mạo lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 174 BLHS 2015.
Theo luật sư Việt, hiện nay, tình cảnh của người dân đang chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt là rất khó khăn, do vậy những sự ủng hộ, cứu trợ, từ thiện của mọi người là đáng quý. Do vậy, việc lợi dụng thiên tai, lũ lụt, để ăn chặn, lừa đảo trên sự đau khổ của người khác cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.