Sai phạm đấu thầu thuốc, 16 bị cáo hầu tòa
Ngày 21/9, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 16 bị cáo nguyên lãnh đạo, cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Đắk Lắk về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại buổi xét xử đầu tiên, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập các công ty thẩm định giá, cán bộ điều tra. Một số luật sư khác đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm sáng tỏ một số vấn đề. Thế nhưng, sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.
Theo cáo trạng, năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015 do Sở Y tế làm chủ đầu tư.
Sau đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, tổ giúp việc thực hiện việc đấu thầu thuốc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đấu thầu mua thuốc khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015 tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều sai phạm. Từ đó, gây thiệt hại tổng cộng 5,7 tỷ đồng, gồm giá trị chênh lệch do xét duyệt trúng thầu sai nhóm 14 mặt hàng thuốc.
Trong đó, các bị cáo Nguyễn Hữu Huyên (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y), Nguyễn Đình Diệm (nguyên Phó Phòng Nghiệp vụ Dược), Nguyễn Xuân Hải (nguyên nhân viên hợp đồng Phòng Nghiệp vụ Dược) và Cao Thị Ninh (nguyên Kế toán trưởng, Phòng Kế hoạch - Tài chính) đã làm trái quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu thuốc gây hậu quả thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 5,7 tỷ đồng.
Các bị cáo Doãn Hữu Long, Nguyễn Hữu Thông (nguyên Trưởng Phòng Tổ chức, nguyên Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán), Nguyễn Đình Quân (nguyên Chánh Thanh tra, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y) đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, giám sát nên không phát hiện ra các sai phạm dẫn đến đề nghị trúng thầu và phê duyệt trúng thầu sai nhóm 14 mặt hàng gây thiệt hại 5,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bị cáo Lê Thị Thanh Bình (nguyên Trưởng Khoa Dược) và Nguyễn Sỹ (nguyên Kế toán Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar), Lê Na Tơr (phụ trách Khoa Dược Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk) và Tô Thị Hà (nguyên kế toán) là thành viên nhóm chấm thầu 10 mặt hàng đã không kiểm tra, đối chiếu, đề nghị trúng thầu không đúng nhóm thuốc, gây thiệt hại 3,7 tỷ đồng…
Sở Y tế cung cấp thông tin bất ngờ
Liên quan đến vụ án, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi TAND tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời điểm xảy ra vụ án đấu thầu thuốc vào năm 2014, có nhiều nguyên nhân khách quan như lần đầu tiên tổ chức đấu thầu theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, các cá nhân tham gia công tác đấu thầu đa số là các công chức, viên chức có trình độ chuyên môn y, dược... nhưng chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác đấu thầu, chưa có kinh nghiệm về đấu thầu thuốc.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, việc chưa ban hành kịp thời các văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền về việc xác định nhóm thuốc tại thời điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu gây khó khăn, vướng mắc cho Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung.
Mặt khác, tại thời điểm xảy ra vụ án, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc xác định nhóm thuốc theo phạm vi chứng nhận GMP và dạng bào chế được ghi trên giấy phép lưu hành của sản phẩm. Do đó, việc xác định sai nhóm thuốc đối với 14 mặt hàng sai nhóm của các cá nhân khi tham gia chấm thầu là do lỗi nhận định khách quan.
Cũng theo Sở Y tế Đắk Lắk, sai sót do lỗi nhận định khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể xảy ra ở phần lớn các Sở Y tế trên cả nước tại thời điểm đó. Hầu hết Sở Y tế các tỉnh, thành đều phê duyệt kết quả trúng thầu sai nhóm đối với 14 mặt hàng thuốc này như Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.
Không chỉ vậy, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng các cá nhân tham gia công tác đấu thầu là cán bộ y tế có nhiều thành tích cống hiến cho ngành, các cá nhân đã hoàn thành công việc được giao với tinh thần, thái độ tích cực, trách nhiệm, công minh, không nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân.
Hơn nữa, một số cá nhân sau khi xảy ra sai phạm vẫn tiếp tục tình nguyện xin đi làm việc trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát, chung tay cùng ngành y tế chống dịch.
Riêng đối với các ông: Nguyễn Hữu Huyên, Nguyễn Đình Quân và Nguyễn Đình Diệm kể từ đầu tháng 6/2021đã tích cực tham gia vào các Tổ phòng, chống Covid-19 của Sở Y tế, trực tiếp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh…
Từ những thông tin nói trên, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk kính mong HĐXX cân nhắc đánh giá một cách khách quan, toàn diện hành vi sai phạm của các bị cáo trong từng hoàn cảnh thời gian cụ thể. Đồng thời, xem xét đóng góp của các cá nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các hoạt động khác của ngành y tế trong thời gian qua.