Sáng ngày 7/3, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.
Phiên tòa bắt đầu xét hỏi hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm, riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang) không liên quan đến các bị cáo khác, nếu cần sẽ triệu tập sau. Trước đó, HĐXX cũng đã thông báo bị cáo Nguyễn Cao Trí được vắng mặt trong phiên tòa xét xử từ ngày 7/3.
Vì vậy, phần thẩm vấn bị cáo Lan và 84 đồng phạm lần lượt các nhóm tội danh: tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Được gọi tên đầu tiên, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tỏ ra thành khẩn, thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng và giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.
Cựu CEO SCB bị cáo buộc từ 2013-2017 đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 60.000 tỷ đồng. Từ 2018-2020 (trước khi nghỉ việc), Văn đã ký hợp thức hóa hồ sơ cho 348 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 192.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 101.000 tỷ đồng lãi phát sinh.
Bị cáo Văn cho biết được bà Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) mời bị cáo làm việc tại SCB nên bị cáo nhận lời. Ông Văn về làm Phó Chủ tịch Ủy ban chiến lược của ngân hàng.
Bị cáo biết SCB là ngân hàng lớn ở phía Nam chứ chưa tìm hiểu kỹ cơ cấu. Làm việc ở vị trí này 6 tháng, sau đó được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc phụ trách vận hành ngân hàng, lúc này Tổng giám đốc là Lê Khánh Hiền.
Tháng 11/2013, ông Lê Khánh Hiền từ chức nên HĐQT bổ nhiệm bị cáo làm quyền tổng giám đốc, tháng 12/2013 bổ nhiệm bị cáo làm tổng giám đốc.
Trả lời HĐXX về việc bà Lan có hay không phải là người "đưa lên làm Tổng giám đốc", Văn khai, theo quy trình bổ nhiệm thì bà này không tham gia, nhưng về sau mới biết bà Lan là người quyết định chức vụ của mình. "Sau thời gian làm việc tại SCB, bị cáo mới hiểu bà Lan dù không có chức vụ gì tại SCB nhưng là người nắm phần lớn cổ phần, là người chi phối toàn bộ dàn lãnh đạo và mọi hoạt động tại SCB", Văn khai.
Liên quan việc giải ngân của SCB, chủ tọa nhiều lần chất vấn Văn "vì sao các khoản vay liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chiếm gần hết số tiền cho vay của SCB? Lý do SCB huy động tiền của người dân hơn 511.000 tỷ đồng mà chỉ cho các khách hàng thuộc tập đoàn vay đến 93%?".
"Bản thân bị cáo lúc đó rất tin tưởng vào khả năng của bà Trương Mỹ Lan sẽ phát triển doanh nghiệp. SCB cần có sự nương tựa để giải quyết các chuyện trong quá khứ và sự phát triển trong tương lai nên khi có dự án có tài sản đảm bảo là bất động sản thì bị cáo rất tin tưởng sẽ đưa SCB vượt qua giai đoạn tái cơ cấu", bị cáo Văn trả lời.
Chủ tọa hỏi: "SCB luôn huy động với lãi suất cao nhất mọi lúc, mọi nơi trong toàn bộ các ngân hàng để thu hút vốn. Nhưng khi cho vay, SCB chỉ cho các công ty thuộc Tập đoàn của bà Lan vay. Với sự việc khách quan như vậy, bị cáo có thấy SCB là công cụ tài chính của Trương Mỹ Lan không?". Ông Văn thừa nhận Ngân hàng SCB là công cụ của bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Văn khẳng định không được hưởng lợi từ việc này, không được chia cổ phần. "Bị cáo làm việc với tư cách người làm thuê cho SCB", bị cáo Văn nói.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc, sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. dù không nắm chức vụ gì tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Là người chủ mưu cầm đầu trong vụ án, bị cáo Lan bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.