Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Việc định giá chưa sát với giá thị trường
Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động đấu giá tài sản, bên cạnh việc phổ biến, quán triệt việc thi hành các quy định của Luật đấu giá tài sản và các văn bản pháp lý, thì giải pháp lâu dài là cần phải rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về đấu giá tài sản.
Kể từ thời điểm Luật Đấu giá tài sản được ban hành đến nay, số lượng các cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công; góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bất cập, hạn chế cả về mặt thể chế và thực tiễn. Việc định giá, xác định giá khởi điểm có trường hợp chưa hợp lý, chưa sát với giá thị trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên. Một số tổ chức đấu giá thực hiện cuộc đấu giá chưa đúng trình tự, thủ tục, quy chế; đấu giá viên và nhân viên có năng lực hạn chế.
3 nhóm chính sách lớn xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật
Nhằm khắc phục những tồn tại trong hoạt động đấu giá tài sản, bên cạnh việc phổ biến, quán triệt việc thi hành các quy định của Luật đấu giá tài sản và các văn bản pháp lý, thì giải pháp lâu dài là cần phải rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về đấu giá tài sản.
Để đạt được mục đích sửa đổi của Luật Đấu giá như đã đặt ra, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, đề xuất sửa đổi Luật Đấu giá lần này sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật, cụ thể như sau:
Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để phát triển hợp lý số lượng và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ đấu giá viên; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức đấu giá tài sản, hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản.
Theo đó, Chính sách 1 sẽ nâng cao thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản.
Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.
Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc. Như vậy, Chính sách 2 được đưa ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản.
Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước về đấu giá tài sản nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Hiện nay, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá và các quy trình trước khi đấu giá (thẩm quyền, thủ tục xử lý tài sản thông qua đấu giá, việc định giá, xác định giá khởi điểm) và sau đấu giá tài sản (việc ký hợp đồng mua bán, phê duyệt kết quả, cấp phép cho người trúng đấu giá, việc nộp tiền trúng đấu giá). Do đó, Chính sách 3 sẽ giúp hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật đấu giá tài sản là cần thiết nhằm đảm bảo trình tự, thủ tục đấu giá được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tăng tính công khai, minh bạch, khách quan. Đối với các giải pháp tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản, Cục Bổ trợ Tư pháp đề nghị tổ chức 1-2 đoàn thanh tra người có tài sản trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để đảm bảo việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo đúng quy định tại Điều 56 Luật ĐGTS và Thông tư 02, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.