Thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân (CCCD) không giống với Chứng minh nhân dân nên mọi người cần đặc biệt chú ý để tránh trường hợp hết hạn gây khó khăn khi thực hiện giao dịch.
Nếu trước đây Chứng minh nhân dân có thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp, cấp đổi, cấp lại thì CCCD có thời hạn sử dụng theo độ tuổi.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân năm 2014 “Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi”.
Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Việc quy định độ tuổi phải đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi bởi khi đến các độ tuổi nói trên con người do nhiều yếu tố tác động có thể dẫn đến những thay đổi về các đặc điểm nhận dạng cần được ghi nhận, bổ sung để thẻ Căn cước công dân đảm bảo chính xác.
CCCD có thay thế thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh?
Mục 1, 2, 3 Công văn 931/BYT-BH của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp quy định như sau:
Để thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức KCB cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:
1. Cơ sở KCB thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).
2. Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp:
- Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở KCB thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi KCB BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID;
- Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT: Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
3. Đối với người bệnh chưa được cấp CCCD có gắn chíp: Thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Theo Đời sống & Pháp luật
Link nguồn: https://www.doisongphapluat.com/3-moc-tuoi-bat-buoi-phai-doi-can-cuoc-cong-dan-nguoi-dan-can-chu-y-a534204.html