Trước đó, khoảng 10h30 ngày 22/5, tại một bãi giữ xe vi phạm ngoài trời của công an phường ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã xảy ra một vụ hỏa hoạn khiến 144 xe máy đang tạm giữ bị cháy và nguyên nhân vụ cháy đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.
Tiếp đó, đầu giờ chiều ngày 6/6 lại xảy ra một vụ cháy khác tại bãi tạm giữ xe số 16 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức. Đây là bãi xe tạm giữ các xe vi phạm thuộc phòng cảnh sát giao thông TP.HCM. Thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn có hàng ngàn phương tiện bị tạm giữ.
Sự việc cháy bãi tạm giữ xe không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, liên tiếp xảy ra nhiều vụ khiến người dân không khỏi lo lắng, hoang mang. Trước sự việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi “khi xảy ra hỏa hoạn, chủ phương tiện tạm giữ có được bồi thường thiệt hại và ai sẽ là người chịu trách nhiệm buồi thường?”.
Trao đổi với PV về vấn đề nêu trên, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, chủ phương tiện có được bồi thường thiệt hại nếu phương tiện bị hư hỏng.
Theo luật sư Cường: “Trong trường hợp đơn vị tạm giữ phương tiện tự mình quản lý, khi xảy ra hỏa hoạn gây hư hỏng xe của người vi phạm thì đơn vị tạm giữ đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Nếu đơn vị tạm giữ phương tiện thuê kho bãi để trông giữ phương tiện thì sẽ phát sinh mối quan hệ dân sự giữa đơn vị quản lý hành chính với đơn vị trông giữ xe theo quy định pháp luật của hợp đồng gửi giữ tài sản. Trường hợp bãi trông giữ xe không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, có sai sót trong quá trình trông giữ không thực hiện kịp thời biện pháp chữa cháy thì đơn vị trông giữ xe có trách nhiệm bồi thường đối với các xe bị cháy hư hỏng. Trường hợp, nguyên nhân vụ cháy là bất khả kháng, không do lỗi của bên nào thì chủ phương tiện phải chịu thiệt hại”.
Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân gây ra hỏa hoạn, làm rõ mối quan hệ hành chính, mối quan hệ dân sự khi thuê đơn vị trông giữ xe. Trách nhiệm của các bên được quy định theo Bộ luật Dân sự về hợp đồng gửi giữ tài sản, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu không có hợp đồng, Luật sư Cường chia sẻ thêm.
Nêu quan điểm của mình về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, văn phòng Luật sư X cho biết: “Theo Điều 349, Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ của bên cầm giữ tài sản phải bảo quản tài sản cầm giữ, không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ và sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ. Để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Nếu cơ quan điều tra xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn do ai đó phá hoại, tác động từ bên thứ 3 gây ra thì bên quyết định tạm giữ phương tiện vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Sau đó, đơn vị này sẽ yêu cầu người gây thiệt hại hoàn trả lại số tiền này”.
1. Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.
2. Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.
3. Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
4. Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.
5. Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.