Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự, trả lời: Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Đồng thời, theo quy định bồi thường thiệt hại tại khoản 1, điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác". Theo đó, nếu việc khách hàng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của nhà hàng thì nhà hàng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.
Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại điều 585 và 590 Bộ Luật Dân sự 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Thiệt hại đó bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở). Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.
Theo Người Lao Động